Quản lý, xử lý cà phê “bẩn” còn nan giải và bất cập

Bình Minh| 26/08/2015 10:34

Không chỉ hạn chế trong quản lý mà việc xử lý sau khi phát hiện nhiều sản phẩm cà phê “bẩn” trên thị trường cũng còn nhiều bất cập.

ADQuảng cáo

Mới đây, sau khi chủ trì tổ chức Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cà phê bột bày bán trên địa bàn tỉnh, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT) đã gửi 15 mẫu đi phân tích. Kết quả đã phát hiện 14 mẫu cà phê bột không đảm bảo chất lượng, trong đó có 13 mẫu được kết luận là “bẩn”.

Việc phát hiện các sản phẩm cà phê bột “bẩn” theo quy định thì phải tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu các cơ sở phải tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm đã đưa ra thị trường. Thế nhưng, trên thực tế, công tác này qua tìm hiểu hiện vẫn còn khá nhiều bất cập.

Theo kết quả xử lý, đến nay Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản đã ra văn bản xử phạt hành chính 6 cơ sở có sản phẩm cà phê “bẩn” là 36 triệu đồng, 7 cơ sở còn lại đã 2 lần gửi giấy mời về Chi cục làm việc nhưng các cơ sở vẫn không chấp hành.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Tùng, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản cho biết: Sau khi ra quyết định xử phạt hành chính và có giấy mời nhưng các cơ sở bất hợp tác, Chi cục đã có thông báo đến các chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản các tỉnh, thành phố, nơi có các cơ sở sản xuất cà phê bột “bẩn” nhờ kiểm tra, xác minh nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết quả nào.

Cùng với đó, Chi cục đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) yêu cầu các cơ sở có sản phẩm cà phê “bẩn” thực hiện nghiêm túc việc thu hồi các sản phẩm đã cung cấp ra thị trường. Đồng thời, Chi cục thông báo kết quả phân tích mẫu cà phê bột đến Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) được biết để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý đối với những sản phẩm không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm đang lưu thông trên thị trường tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Về kết quả việc kiểm tra, giám sát sau khi có văn bản yêu cầu các cơ sở có thu hồi hay không sản phẩm cà phê “bẩn”, ông Tùng cho biết thêm: “Chi cục chưa phối hợp tiến hành kiểm tra lại nên không nắm được tình hình cụ thể. Chi cục hiện nay lực lượng, kinh phí hạn chế nên cũng khó khăn trong việc hậu kiểm tra, giám sát”.

Được biết, theo biên bản lập thì các cơ sở sản xuất cà phê “bẩn” trong vòng 10 ngày phải chịu trách nhiệm thu hồi toàn bộ các sản phẩm đã bán ra ngoài thị trường, nhưng đến nay đã 2 tháng, hầu hết các đơn vị vi phạm vẫn chưa tiến hành làm nhiệm vụ này.

Rõ ràng, công tác quản lý, xử lý và thu hồi các sản phẩm cà phê “bẩn” trên địa bàn tỉnh hiện nay còn khá nhiều bất cập, xử lý theo kiểu nửa vời, chưa có sự phối hợp xử lý triệt để của các cơ quan liên quan khác. Riêng về 7 cơ sở sản xuất cà phê “bẩn” bất hợp tác, hiện nay, Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh “trông cậy” hết vào các đơn vị đồng cấp ở các tỉnh, thành.

Cũng theo ông Trần Văn Tùng thì hiện nay Chi cục vẫn chưa kiểm soát được các cơ sở sản xuất cà phê bột trên địa bàn tỉnh, chứ chưa nói đến nhiều sản phẩm cà phê bột từ tỉnh, thành phố khác lưu hành trên thị trường Đắk Nông.

Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng còn mỏng, kinh phí tiến hành lấy mẫu đưa đi phân tích còn hạn chế. Công tác này chỉ có cấp xã, huyện may ra mới nắm hết và thống kê được. Do kinh phí có hạn nên hàng năm, Chi cục chỉ phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành được 2 đợt là nhiều.

Ông Tùng cho rằng: “Trong đợt thanh, kiểm tra vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành chỉ lấy ngẫu nhiên 15 mẫu của các sản phẩm cà phê bột được bày bán trên thị trường. Nếu Chi cục mở rộng lấy mẫu đưa đi phân tích nhiều hơn thì kết quả phát hiện cà phê “bẩn” chắc chắn sẽ lớn hơn”.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, xử lý cà phê “bẩn” còn nan giải và bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO