Phạt nguội phương tiện vận tải thông qua thiết bị giám sát hành trình

Bài, ảnh: Ngọc Lê| 25/12/2018 10:34

Thiết bị giám sát hành trình là công cụ hỗ trợ cho việc quản lý, điều hành kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

ADQuảng cáo

Thực hiện Nghị định 86/2014/ NĐ-CP của Chính phủ, hiện nay, tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn đều đã lắp đặt thiết bị này, giúp các cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong giám sát, xử phạt các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Cán bộ Sở GTVT kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải của các đơn vị vận tải thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình

Các phương tiện vận tải khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình dù di chuyển bất cứ địa điểm nào trên các cung đường đều được ghi lại thông tin về lộ trình, vận tốc, vị trí, số lần vượt quá tốc độ, dừng đỗ sai quy định… Những thông tin này được cập nhật thường xuyên, liên tục vào hệ thống phần mềm quản lý thiết bị giám sát hành trình của nhà cung cấp thiết bị.

Tiếp đó, dữ liệu này được truyền tải và lưu trữ vào hệ thống dữ liệu do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Từ đây, các đơn vị quản lý Nhà nước, các chủ nhà xe đều có thể theo dõi, kiểm tra được các lỗi vi phạm của các phương tiện vận tải.

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Văn Bách, cán bộ Phòng Phương tiện quản lý người lái (Sở GTVT), chỉ cần mở máy tính vào kiểm tra dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của bất cứ đơn vị kinh doanh vận tải nào trên địa bàn tỉnh thì hệ thống sẽ tự động phân tích và thống kê các trường hợp có lỗi vi phạm. Trên cơ sở những bằng chứng này, Sở GTVT sẽ lập danh sách, nhắc nhở, xử lý và chấn chỉnh các trường hợp vi phạm. Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, Sở GTVT sẽ cương quyết thu hồi phù hiệu, cấm hoạt động kinh doanh vận tải trong khoảng thời gian nhất định. Trong năm 2018, thông qua thiết bị giám sát hành trình, Sở GTVT đã kiểm tra, xử lý 1.680 lượt phương tiện vi phạm luật giao thông.

Trong số này, Sở GTVT đã ra quyết định tạm thu hồi 276 phù hiệu đăng ký vận tải và đình chỉ 3 tuyến vận tải hành khách cố định. Các trường hợp bị tịch thu phù hiệu chủ yếu không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình thường xuyên, liên tục.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thiên Trung cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi hiện có 10 xe khách chạy các tuyến như: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội... Hiện nay, doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, nếu bị tước phù hiệu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Ý thức được điều này, thời gian qua, sau khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đơn vị luôn cử người theo dõi sát sao, nhắc nhở các tài xế không vi phạm các quy định trong kinh doanh vận tải hành khách. Nhờ có sự chấn chỉnh kịp thời nên đơn vị chưa có trường hợp nào bị tước phù hiệu”.

Ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: "Thông qua thiết bị giám sát hành trình, các cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong kiểm tra, xử lý các nhà xe vi phạm quy định kinh doanh vận tải. Kể từ khi đưa thiết bị giám sát hành trình vào sử dụng, các lái xe, nhân viên dịch vụ vận tải ngày càng chấp hành nghiêm chỉnh quy định về kinh doanh vận tải, luật Giao thông đường bộ. Qua thống kê cho thấy các lỗi vi phạm về tốc độ đã giảm mạnh, góp phần hạn chế được các vụ tai nạn giao thông. Mặt khác, các đơn vị vận tải khi bị xử phạt cũng không thể chối cãi trước các chứng cứ do thiết bị giám sát hành trình lưu giữ".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phạt nguội phương tiện vận tải thông qua thiết bị giám sát hành trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO