Nỗi lo cầu tạm

Phan Tuấn| 03/08/2015 15:01

Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT), hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 140 cây cầu yếu, cầu tạm xuống cấp nghiêm trọng. Vào mùa mưa, việc người dân phải lưu thông trên những chiếc cầu này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

ADQuảng cáo

Người dân ở thôn Nghĩa Hòa, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) hàng ngày vẫn phải lưu thông trên cầu tạm đã xuống cấp

NGUY HIỂM LUÔN RÌNH RẬP

Trong nhiều năm qua, rất nhiều người dân ở bon Bu Báh và thôn 6, xã Trường Xuân (Đắk Song) vẫn phải qua lại trên chiếc cầu gỗ làm tạm bắc qua suối. Gọi là cầu tạm, nhưng nó lại hết sức quan trọng vì phục vụ lưu thông trong sinh hoạt, sản xuất hàng ngày cho khoảng 200 hộ dân ở gần khu vực này.

Qua quan sát, cây cầu được người dân tự thiết kế, xây dựng bằng các loại gỗ tạp, hai bên cầu không có lan can bảo vệ, nhưng hàng ngày phải “gánh” một số lượng lớn người, phương tiện qua lại, nên nguy hiểm luôn rình rập. Theo thời gian, cây cầu cũng nhanh chóng xuống cấp, bộc lộ nhiều điểm mất an toàn, xuất hiện các khoảng trống giữa các tấm gỗ, chỉ cần có phương tiện và người đi trên thì bắt đầu có dấu hiệu rung, lắc.

Theo người dân địa phương chính việc cây cầu không đảm bảo an toàn như vậy nên năm nào tại đây cũng có người bị lật xe rơi xuống suối. Để phòng tránh nguy hiểm, chính quyền địa phương đã đặt biển cảnh báo nguy hiểm với nội dung: “Cầu chỉ dành cho người đi xe máy và đi bộ”.

Anh Hoàng Văn Đương, một người dân ở bon Bu Báh cho biết: Tuyến đường này phục vụ cho 300 hộ dân đi lại, sản xuất. Cầu yếu, không chắc chắn nhưng bà con vẫn phải bất chấp nguy hiểm vận chuyển hàng hóa, qua lại trên cầu, chứ không có cách nào hơn. Cứ mỗi khi mùa mưa đến, chúng tôi cũng tích cực tu sửa, nhưng chỉ mang tính chất tạm thời, không đảm bảo chắc chắn, an toàn  được.

Không riêng gì trên các tuyến đường liên thôn, liên xã mà ngay trên tỉnh lộ 6, đoạn qua địa bàn xã Nâm N’jang (Đắk Song) từ nhiều năm nay người dân cũng đang đi qua chiếc cầu Thác tạm bợ. Do đây là tuyến đường huyết mạch nên hàng ngày luôn có hàng nghìn lượt người và phương tiện lưu thông qua cầu. Đặc biệt, vào mùa mưa, việc đi qua cầu là một nỗi lo lớn đối với nhiều người dân nơi đây.

Cầu mới thi công dang dở, người dân vẫn buộc phải qua cầu Thác bị ngập nước

ADQuảng cáo

Ông Trần Đăng Nam, một người dân ở xã Nâm N’jang nói: Vào mùa mưa, có thời điểm nước dâng cao khoảng nửa mét, nhưng đây là tuyến đường độc đạo nên người dân cũng đánh liều vượt qua. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, đã có hàng chục người bị dòng nước cuốn trôi, nhưng may mắn được bà con gần đây cứu được.

Trước thực tế trên, năm 2012, Sở GT-VT đã khởi công xây dựng một cây cầu mới nằm ngay bên cạnh cây cầu cũ với tổng mức đầu tư trên 14 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công trình sẽ được bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 12/2014, nhưng đến thời điểm này vẫn đang hết sức ngổn ngang và buộc phải dừng lại do thiếu vốn.

Theo đại diện chủ đầu tư thì cần khoảng 5 tỷ đồng nữa mới có thể thi công xong các hạng mục còn lại của cây cầu này. Trước thực tế trên, người dân ở đây ít nhất sẽ phải “gắn bó” với cầu Thác thêm một vài mùa mưa nữa (?)

PHẤN ĐẤU ĐẾN NĂM 2030 MỚI XÓA XONG CẦU TẠM

Theo ông Nguyễn Nhân Bản, Phó Giám đốc Sở GT - VT, qua thực tế cho thấy, các cầu tạm bắc qua các sông, suối ở vùng sâu, vùng xa chủ yếu do người dân tự làm, không có bản thiết kế hay tiêu chuẩn kỹ thuật và cũng chỉ phục vụ cho một bộ phận dân cư.

Để xóa hết cầu tạm trên địa bàn tỉnh thì phải cần một khoản kinh phí rất lớn, trong khi nguồn ngân sách hàng năm bố trí xây dựng đường giao thông nông thôn không nhiều. Thời gian qua, tỉnh cũng đã bố trí một khoản kinh phí cần thiết để rà soát, sửa chữa những cầu treo, cầu tạm xuống cấp nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình “Đầu tư xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số” thì tỉnh đã có văn bản đề nghị và được Tổng Cục đường bộ Việt Nam đồng ý bố trí kinh phí xây dựng 4 cây cầu treo và 39 cây cầu cứng trong thời gian tới.

Ngoài ra, với khoảng 100 cây cầu tạm còn lại, trước mắt Sở GT - VT sẽ tiến hành rà soát, lập kế hoạch đề nghị tỉnh bố trí kinh phí xây dựng cho mỗi huyện, thị xã từ 2-3 cây cầu cứng để từng bước góp phần đáp ứng nhu cầu lưu thông cho người dân, đảm bảo an toàn giao thông. Mục tiêu phấn đấu của ngành Giao thông là phải đến năm 2030 mới hy vọng xóa xong các cầu treo, cầu tạm trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là mục tiêu phấn đấu, còn có thực hiện được hay không lại là chuyện hoàn toàn khác, vì liên quan đến rất nhiều vấn đề, nhất là nguồn kinh phí để thực hiện. Vì vậy, để rút ngắn thời gian xóa bỏ cầu tạm, cầu treo, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Giao thông, các địa phương cần tranh thủ mọi nguồn lực và chủ động lồng ghép việc xây cầu vào các chương trình như: xây dựng nông thôn mới, kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo cầu tạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO