Niềm vui được đặc xá

Phan Tuấn| 01/09/2015 10:58

Trong những ngày cuối tháng 8, nhiều phạm nhân ở Trại giam Đắk P’lao trực thuộc Tổng cục 8 (Bộ Công an) đứng chân trên địa bàn xã Đắk Som (Đắk Glong) đang háo hức chờ đợi đến ngày được đặc xá, trở về làm người tự do.

ADQuảng cáo

Cán bộ quản giáo tận tình chỉ dạy nghề cho phạm nhân

MONG LÀM LẠI CUỘC ĐỜI

Biết mình có tên trong danh sách được xét đặc xá lần này, phạm nhân Phan Ngọc Quang (SN 1981), ở huyện Tam Nông (Phú Thọ) hết sức cảm động và vui mừng trước sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

Năm 2011, khi còn làm việc cho một doanh nghiệp sản xuất giày da ở tỉnh Bình Dương, Quang đã phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sau khi bị tòa tuyên phạt 7 năm tù giam và thi hành án tại Trại giam Đắk P’lao, Quang rất day dứt và ân hận bởi những tội lỗi mà mình đã gây ra. Vì vậy, khi được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của đội ngũ cán bộ quản giáo trại giam, Quang không ngừng quyết tâm phấn đấu sửa chữa những sai lầm của mình.

Quang cho biết: 4 năm "bóc lịch" trong trại giam là khoảng thời gian dài nhưng rất quý giá để cho bản thân sám hối. Vì vậy, được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, ra tù trước thời hạn là niềm vui không kể xiết, chứng minh thời gian qua tôi đã có ý thức cải tạo tốt. Hiện tại, tôi đang đếm từng giờ để chờ đón thời khắc được tự do, được về bên gia đình. Sau khi trở về, tôi sẽ đầu tư vào nghề chăn nuôi mà nhiều năm trước gia đình tôi vẫn thường làm để phát triển kinh tế, phấn đấu trở thành người công dân tốt, sống có ích cho xã hội.

Tương tự, phạm nhân Lê Minh Pha (SN 1993) ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cũng háo hức chờ đợi ngày trở về. Cách đây 3 năm, khi mới bước sang tuổi 18, do ham chơi, đua đòi, Hải đã bị bạn bè rủ rê, lôi kéo phạm tội cướp giật tài sản và bị tòa án tuyên phạt 4 năm tù giam. 3 năm trong tù, Pha đã ăn năn, hối hận với hành động dại dột của mình, không những phụ lòng bố mẹ sinh thành, nuôi dưỡng mà còn gây ra nỗi lo cho cộng đồng, xã hội.

Pha tâm sự: “Sau khi vào trại, các cán bộ trại giam  không chỉ dạy cho mình về đạo đức, lối sống mà còn được học các nghề như trồng trọt, cơ khí… Ngày trở về, mình mong muốn tìm được việc làm ở một tiệm cơ khí để vừa có thu nhập vừa nâng cao tay nghề đã được học ở trại giam. Sau này, nếu có điều kiện mình sẽ mở một tiệm cơ khí riêng để tự  kinh doanh, lập nghiệp trên chính đôi tay lầm lỗi ngày nào”.

Có lẽ đó cũng là tâm trạng chung của những phạm nhân khi biết mình có tên trong đợt xét đặc xá lần này. Mong làm lại cuộc đời, họ trằn trọc suy nghĩ, vạch sẵn cho mình kế hoạch xây dựng cuộc sống mới sau khi tái hòa nhập cộng đồng...

ADQuảng cáo

GIÚP PHẠM NHÂN SỚM HOÀN LƯƠNG

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị Trại giam Đắk P’lao thì thực hiện Quyết định 1366/2015/QĐ-CTN ngày 10/7/2015 về đặc xá năm 2015 nhân dịp Quốc khánh 2/9 của Chủ tịch nước, Trại giam Đắk P’lao đã tiến hành tổ chức niêm yết công khai quyết định và phổ biến đầy đủ các hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá cho tất cả các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù.

Trong dịp này, trại giam có 82 phạm nhân được Hội đồng đặc xá Trung ương đánh giá đúng tiêu chuẩn đề nghị Chủ tịch nước xét đặc xá. Vì vậy, thời gian qua, đội ngũ quản giáo thường xuyên giáo dục, phổ biến chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội đang bị kết án phạt tù. Qua đó, khuyến khích người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù tích cực học tập, lao động, cải tạo để được hưởng đặc xá, trở về với cộng đồng. Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhân dịp Quốc khánh 2/9 ở Trại giam Đắk P’lao đã hoàn tất.

Cảm hóa, giáo dục bằng sự chân tình là cách giúp phạm nhân cải tạo tốt, sớm được hoàn lương

Qua tìm hiểu được biết, Trại giam Đắk P’lao chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 9/2014, hiện nay, đang giam giữ trên 1.000 phạm nhân từ các nơi trong cả nước. Mỗi phạm nhân có một bản án khác nhau nhưng khi đã vào đây thì đều được đội ngũ quản giáo trại giam tận tình giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Mặt khác, mỗi cán bộ quản giáo ở đây luôn đề cao tình cảm của con người Việt Nam, dùng tình cảm gần gũi, chia sẻ để cảm hóa các phạm nhân sớm hoàn lương. Các phạm nhân cũng được học các nghề cần thiết để có thể hành nghề kiếm sống khi trở về với cộng đồng. Vì vậy, trong quá trình chấp hành án, hầu hết phạm nhân đều cố gắng cải tạo tốt, suy xét lại những lỗi lầm mà bản thân đã phạm phải, dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội để được hưởng đặc xá.

Trước ngày công bố quyết định đặc xá, Trại giam Đắk P’lao đã tổ chức các lớp học giáo dục pháp luật, công dân, giúp các phạm nhân nâng cao nhận thức, hiểu biết  về quyền lợi và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù. Qua đó, phạm nhân được trang bị những kiến thức cơ bản để khi được đặc xá không còn bỡ ngỡ và nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Qua trao đổi với các phạm nhân, khi được đặc xá, trở về với cộng đồng, ngoài những nỗ lực của bản thân, họ cũng mong muốn các cấp, các ngành, nhất là toàn xã hội hãy tha thứ, đồng cảm, giúp đỡ họ có cơ hội hoàn lương, làm lại cuộc đời mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm vui được đặc xá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO