Nhận diện và những tác hại của tôm hùm đất

Lê Phước| 27/06/2019 09:31

Đến thời điểm hiện tại, ngành chức năng tại tỉnh Đắk Nông chưa phát hiện trường hợp nào nhập, buôn bán, nuôi loài tôm hùm đất. Tuy nhiên, tôm hùm đất đã xuất hiện tại một số địa phương trong nước và nguy cơ xâm nhập vào Đắk Nông có thể xảy ra.

ADQuảng cáo

Việc nhập khẩu, nuôi, kinh doanh tôm hùm đất là trái quy định pháp luật. Ảnh: Internet

Theo Tổng cục Môi trường, tôm hùm nước ngọt (tôm hùm đất) có chiều dài phổ biến với  từ 7,5 - 10,5 cm và nặng 10 - 30gr/con. Loài này có màu sắc chủ yếu là màu đỏ, đỏ sẫm và khi trưởng thành có màu xanh nâu. Tôm hùm đất có những đặc điểm nổi bật như: chủy và vùng sau chủy có hình thù nhọn; rãnh đầu ngực hẹp; có nhiều chấm đỏ ở 2 càng; cạnh bên của càng có nhiều bướu nhỏ...

Tôm hùm đất thuộc loài tôm vỏ cứng, có nguồn gốc từ khu vực bắc Mỹ và đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia trên thế giới. Loài này có thể sống ở nhiều môi trường như: sông, hồ, ao, suối, kênh, mương và đầm lầy nước ngọt. Chúng cũng là loài ăn tạp, có khả năng nhanh chóng thiết lập quần thể và trở thành loài chủ chốt của hệ sinh thái.

Trên thế giới đã ghi nhận nhiều tác động đến môi trường và đa dạng sinh học do tôm hùm đất gây ra như: cạnh tranh môi trường sống, truyền bệnh cho các loài tôm bản địa, giảm quần thể thực vật thủy sinh. Tôm hùm đất có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong quần xã thực vật và động vật ảnh hưởng tiêu cực đối với nông nghiệp và thủy sản.

ADQuảng cáo

Theo quy định hiện hành tại Việt Nam, tôm hùm đất là loại sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, không được phép sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc nhập khẩu, nuôi hoặc kinh doanh loài này là trái quy định pháp luật.

Theo Điều 10, Nghị định số 185 của Chính phủ, hành vi buôn bán tôm hùm đất sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 10 triệu đồng (tùy giá trị tang vật). Hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại (theo quy định tại khoản 7, Điều 43, Nghị định số 155 của Chính phủ) cũng bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 1 tỷ đồng (tùy theo giá trị tang vật từ 10 - 250 triệu đồng).

Cùng với việc bị xử lý hành chính, người có hành vi này còn buộc phải phạt khắc phục hậu quả bằng cách buộc tiêu hủy tang vật hoặc tái xuất toàn bộ loài ngoại lai ra khỏi lãnh thổ nước ta. Ngoài ra, hành vi nhập khẩu trái phép hoặc phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 246, Bộ luật Hình sự 2015.

Mới đây, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo việc tăng cường kiểm soát loài tôm hùm đất. Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của loài động vật này và chủ động không mua bán, nuôi, phát tán, sử dụng làm thực phẩm… Các đơn vị chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm hùm đất. Trường hợp phát hiện có tôm hùm đất phát tán ra môi trường phải tiến hành ngay việc khoanh vùng, cô lập và diệt trừ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện và những tác hại của tôm hùm đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO