Người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng: Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Bá Hiển| 06/03/2018 09:31

Trong những năm qua, thực hiện Nghị định 80/CP của Chính phủ về quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, các cấp, ngành trên địa bàn toàn tỉnh đã chú trọng các giải pháp hỗ trợ, giúp người lầm lỡ sau khi trở về địa phương có điều kiện vươn lên làm ăn, ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

ADQuảng cáo

Anh Vũ Trần Thức (SN 1987), trú tại xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) từng là người lầm lỡ và bị phạt tù giam. Sau khi trở về địa phương, với sự quan tâm, động viên giúp đỡ từ cha mẹ, người thân trong gia đình, bản thân anh  luôn có suy nghĩ tích cực, chịu khó làm ăn lương thiện để xóa đi những mặc cảm quá khứ lỗi lầm và bù đắp, chăm lo cho gia đình.

Được người thân cũng như chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay  vốn để làm kinh tế, vợ chồng anh Thức đã mạnh dạn đứng ra mở một cơ sở thu mua, kinh doanh một số mặt hàng nông sản và chế biến cây thuốc Nam. Ngoài ra, anh Thức còn làm thêm 6 ha rẫy chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, điều, tiêu...

Với sự cần cù, chăm chỉ lao động nên đến nay, Vũ Trần Thức đã có một cuộc sống gia đình ổn định, nhà cửa khang trang với thu nhập bình quân hàng năm từ 250 - 300 triệu đồng từ việc kinh doanh nông sản và trồng cà phê...

Anh Vũ Trần Thức (ở giữa) luôn nhận được sự quan tâm động viên từ người thân và chính quyền địa phương

Còn anh Nguyễn Hữu Đạt (SN 1991), trú tại thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) cũng không ngừng nỗ lực trong cuộc sống. Đạt cho biết năm 2011, trong một lần uống rượu đã tham gia vào việc đánh nhau gây thương tích và bị kết án 5 năm tù giam. Sau khi được đặc xá trở về địa phương (năm 2013), do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bản thân Đạt không có công ăn việc làm ổn định nên việc hòa nhập cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Sau một thời gian được sự động viên giúp đỡ của người thân trong gia đình và được các đồng chí trong Ban tự quản khu phố, cảnh sát khu vực và chính quyền địa phương, Đạt từng bước xóa bỏ tự ti, mặc cảm, quyết tâm làm lại cuộc đời. Sẵn có tay nghề là thợ sơn, Đạt đã chủ động cùng với một số bạn bè thành lập nhóm thợ sơn, chuyên nhận thầu sơn, trang trí các công trình xây dựng như các trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ở...

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, công trình do Đạt cùng nhóm thợ sơn đứng ra nhận thầu luôn hoàn thành tốt, chất lượng, tạo dựng được uy tín với người dân và các chủ thầu trên địa bàn huyện... Nhóm thợ do Đạt làm chủ thầu thường xuyên có từ 10 -12 người, được Đạt trả công theo mức độ tay nghề chuyên môn, với mức lương bình quân từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, qua đó không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định, thu nhập cho bản thân mà còn cho cả nhóm công nhân và bạn bè được Đạt dẫn dắt, làm ăn lương thiện. Sau thời gian nỗ lực, đến nay Đạt đã có được một mái ấm gia đình ổn định,  xây dựng được nhà cửa và lấy vợ làm giáo viên.

Đạt tâm sự: "Để tránh mắc phải những sai lầm trong quá khứ,  em luôn nhắc nhở bản thân mình và thường xuyên khuyên nhủ, động viên bạn bè thanh niên đồng lứa phải luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tự bản thân mình phải có suy nghĩ tích cực, chủ động tìm kiếm công ăn việc làm, tránh xa những lời rủ rê của bạn bè xấu, làm người có ích cho gia đình, xã hội...".

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng  phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh), thời gian qua, với vai trò nồng cốt, đơn vị đã tham mưu cho  Công an tỉnh phối hợp với các  cấp, ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý, giáo dục, hỗ trợ giúp  người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng  cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để họ tiếp cận được các nguồn vốn,  tổ chức tư vấn,  hướng nghiệp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 235 người tái hòa nhập cộng đồng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và từ các nguồn quỹ khác; hơn 130 người được giới thiệu, bố trí việc làm ổn định; tiến hành tư vấn, đào tạo nghề miễn phí cho 46 trường hợp... Hầu hết các trường hợp sau khi trở về địa phương đều an tâm tư tưởng, hòa nhập với cuộc sống, cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít trường hợp sau khi trở về địa phương do thiếu sự quan tâm chăm sóc động viên kịp thời của gia đình, người thân và chính quyền địa phương nên đã tiếp tục quay lại  con đường phạm tội,  dẫn đến tỷ lệ số người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội vẫn còn cao...

Chính vì vậy, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của bản thân những người tái hòa nhập cộng đồng, đòi hỏi chính quyền các cấp và các ban ngành đoàn thể, gia đình  cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, thường xuyên quan tâm hỗ trợ giúp đỡ, xây dựng các mô hình, quỹ hỗ trợ hoàn lương, giải quyết công ăn việc làm... nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội, vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng: Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO