Nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng

Ngọc Dũng| 19/12/2017 09:48

Công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, chỉ đạo và hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Mặc dù hàng năm, các cấp chính quyền vẫn triển khai các hoạt động phòng, chống tham nhũng, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến ở các đơn vị.

ADQuảng cáo

Cử tri xã Đắk D'rô (Krông Nô) đề nghị các cấp chính quyền phải vào cuộc quyết liệt để hạn chế tình trạng tham nhũng

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2017, qua công tác điều tra, cơ quan chức năng đã truy tố, xét xử 7 vụ liên quan đến tham nhũng với 16 bị cáo, thu hồi số tiền tham nhũng trên 7,5 tỷ đồng. Qua công tác thanh tra cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế ở các đơn vị trong thực hiện phòng, chống  tham nhũng.

Cụ thể, cơ quan chức năng đã phát hiện một số đơn vị thực hiện không đúng quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chức, viên chức đối với 28 cán bộ quản lý. Về định mức, tiêu chuẩn, công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư xây dựng chưa đúng, đủ theo quy định. Điển hình, một số công trình có sử dụng vốn huy động của nhân dân nhưng không có nghị quyết của HĐND xã về đầu tư, quản lý vốn thu, chi và vốn huy động của nhân dân không thông qua Kho bạc Nhà nước. Không những vậy, việc thực hiện quyết toán chưa đúng định mức, đơn giá, khối lượng với số tiền trên 560 triệu đồng…

Theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng chủ yếu vẫn là những nguyên nhân cũ. Cụ thể, hầu hết các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, nội dung, chất lượng còn hạn chế. Công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chưa được kiểm soát theo đúng quy định. Các đơn vị chưa phê duyệt danh sách những trường hợp phải kê khai, đối chiếu để phòng ngừa kê khai sai sự thật. Hiệu quả trong việc kê khai chưa cao, chưa bảo đảm thời gian quy định. Thậm chí, nhiều đơn vị chưa xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng và chưa tổ chức quán triệt, giám sát, thực hiện theo quy định.

Công tác thanh tra ở một số lĩnh vực chưa thường xuyên. Hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra phục vụ phòng, chống tham nhũng chưa cao, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm nên không phát hiện hành vi tham nhũng. Kết quả xử lý tham nhũng trong công tác quản lý đất đai, quản lý rừng chưa được công khai kịp thời, chưa xử lý nghiêm người đứng đầu, người được giao trách nhiệm quản lý khi để xảy ra vi phạm.

ADQuảng cáo

Cũng qua thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy, ngoài những hạn chế nêu trên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp trong các lĩnh vực, hoạt động. Điển hình như hiệu lực của việc giải quyết thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Theo hồ sơ PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, tỉnh Đắk Nông có đến trên 77% ý kiến cho rằng vẫn còn phổ biến tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Điều đáng nói nữa là trên 71% ý kiến cho biết công việc chỉ đạt hiệu quả mong đợi sau khi đã chi trả phí không chính thức.

Còn theo kết quả khảo sát của Đoàn giám sát số 07 HĐND tỉnh, có đến 121/156 phiếu điều tra không hài lòng (chiếm trên 77%) về việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, tư pháp như giải quyết chậm, thủ tục rườm rà, bắt đi lại nhiều lần, trả không đúng hẹn…

Để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị, cơ quan chức năng cần có cái nhìn đúng về tình hình tham nhũng hiện nay để có những giải pháp thiết thực, phù hợp trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. UBND tỉnh cần báo cáo rõ và công khai số liệu tài sản tham nhũng, nêu rõ việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cần đưa ra biện pháp kiểm soát tài sản, xác minh thu nhập, tài sản qua công tác kê khai của cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả xử lý các vụ, việc liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất, lấn chiếm đất rừng đang được dư luận và nhân dân quan tâm phải được công khai minh bạch. Tập trung chỉ đạo thanh tra, giải quyết các khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO