Nạn cà phê “bẩn” ở Tây Nguyên

Bình Minh| 31/08/2015 14:41

Cà phê giờ đã trở thành thức uống phổ biến của khá đông người dân Việt Nam. Tuy vậy, nhiều sản phẩm cà phê hiện nay trên thị trường hoàn toàn không có tỷ lệ phần trăm nào của cà phê. Sản phẩm cà phê “bẩn” đang thực sự trở thành vấn nạn của người tiêu dùng.

ADQuảng cáo

Hàng ngày, những ly cà phê đặc quánh, nồng mùi hóa chất và có màu đen bất thường vẫn được tiêu thụ ở các quán cà phê là điều dễ bắt gặp tại Tây Nguyên, vùng đất được mệnh danh là thủ phủ cà phê của cả nước. Nhiều người vẫn vô tư nhấm nháp mà không hề bận tâm về thức uống có tên gọi là cà phê kia được làm bằng gì và làm như thế nào. Sự thật, đằng sau những ly cà phê như vậy chỉ có những người am hiểu mới thật sự thấy được sự kinh hoàng về công nghệ chế biến.

Mới đây, Phòng Cảnh sát Môi Trường, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bất ngờ kiểm tra một cơ sở chế biến cà phê bột tại xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột. Tại hiện trường sản xuất, lực lượng công an đã niêm phong 1.750 kg đậu nành, bắp hột, 120 kg bắp, đậu nành đã rang tẩm hóa chất, 30 kg cà phê bột và một số phẩm màu hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cơ sở này do ông Nguyễn Đình Quang, người địa phương làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất cà phê bột. Tại nhà xưởng, các khâu rang, xay, đóng gói đều được làm trên nền nhà cáu bẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Được biết, cơ sở rang, xay cà phê của Nguyễn Đình Quang hoạt động từ năm 2013 và đã từng bị kiểm tra, xử phạt 37,5 triệu đồng. Sản phẩm cà phê bột của cơ sở Nguyễn Đình Quang chủ yếu là đậu, bắp và hóa chất đen kịt không rõ nguồn gốc.

Ông Nguyễn Đình Quang thừa nhận, cơ sở của ông chế biến cà phê bột bằng “công nghệ” trộn cà phê, bắp, đậu nành và hóa chất với tỷ lệ 10% cà phê, 90% còn lại là các nguyên liệu nêu trên. Mỗi ngày, cơ sở chế biến khoảng 100kg cà phê, sau đó đóng gói thành từng bao loại 50kg rồi chở đi bỏ mối cho các cơ sở bán lẻ ở Đắk Nông với giá 60.000 đồng/kg. Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc mà ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây.

Theo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản Đắk Lắk (Sở Nông nghiệp-PTNT Đắk Lắk), trong năm 2014, đơn vị phát hiện 5 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính hơn 61 triệu đồng. Còn theo đề tài khoa học “Khảo sát chất lượng cà phê bột sản xuất và lưu thông trên địa bàn tỉnh” do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk nghiên cứu và công bố, cho thấy tại 27 mẫu cà phê bột và cà phê hòa tan ở 30 cơ sở sản xuất thì có 73,3% cơ sở dùng thêm đậu nành, 46,7% cơ sở dùng thêm bắp, 6,7% dùng thêm đậu đỏ. Kết quả khảo sát cũng nêu rõ 4/27 mẫu cà phê (chiếm 14,8%) không đạt chất lượng (chủ yếu là không bảo đảm hàm lượng cafeine).

ADQuảng cáo

Điều đáng nói là những cơ sở chế biến cà phê kiểu như vậy không phải là hiếm gặp tại các tỉnh Tây Nguyên. Chính sự dễ dãi của người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho cà phê "bẩn". Theo các khách hàng thường hay uống cà phê thì mỗi sáng uống cà phê đều cảm thấy sảng khoái.

Trong thời gian qua, họ không thấy có ảnh hưởng gì về sức khỏe. Ngoài một số thương hiệu cà phê nổi tiếng và có uy tín trên thị trường, người tiêu dùng dễ dàng lạc vào ma trận thương hiệu cà phê được chào bán công khai với đủ mức giá khác nhau. Chính sự chồng chéo trong quản lý chất lượng đầu ra cho sản phẩm cà phê của cơ quan chức năng cùng với tâm lý dễ dãi của người tiêu dùng, đã tạo điều kiện cho cà phê "bẩn" không những tồn tại mà có xu hướng ngày càng phát triển.

Những cơ sở rang xay cà phê bột kém chất lượng là “những con sâu làm rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng uy tín của thương hiệu cà phê nổi tiếng. Để siết chặt quản lý, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, nhất là kiểm tra đột xuất đối với những cơ sở nghi ngờ sản xuất sản phẩm kém chất lượng.

Vừa qua, Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành của tỉnh Đắk Nông do Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông) chủ trì đã tiến hành kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cà phê bột sản xuất, bày bán trên địa bàn tỉnh và đã gửi 15 mẫu đi phân tích. Kết quả đã phát hiện 14 mẫu cà phê bột không đảm bảo chất lượng, trong đó có 13 mẫu được kết luận là cà phê “bẩn”.

Điều đáng nói là sau khi lực lượng chức năng lập biên bản, ra thông báo xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu các cơ sở phải tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm đã cung cấp bán ra ngoài thị trường. Thế nhưng, các cơ sở sản xuất cà phê “bẩn” đều chưa tiến hành thu hồi sản phẩm hoặc bất hợp tác với các cơ quan chức năng.

Các cơ sở sản xuất bị phát hiện có cà phê bột “bẩn” bao gồm:
1. Cơ sở sản xuất cà phê bột Gia Phúc, với sản phẩm cà phê bột Gia Phúc, địa chỉ xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).
2. Hộ kinh doanh Đại Việt Đức, với sản phẩm cà phê bột Đại Việt Đức, địa chỉ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh).
3. Cơ sở sản xuất cà phê Phú Hoàng, với sản phẩm cà phê bột Phú Hoàng, địa chỉ thôn 2, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
4. Cơ sở phân phối Gia Trang, với sản phẩm cà phê bột trộn Ngọc Bích, địa chỉ số 69 Hùng Vương, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil (Đắk Nông).
5. Cơ sở sản xuất cà phê trộn Moka, với sản phẩm cà phê trộn Moka, địa chỉ Km 10, Khu công nghiệp Hòa Phú (Đắk Lắk).
6. Cơ sở sản xuất cà phê Chính Nguyên, có sản phẩm cà phê bột Chính Nguyên, địa chỉ Nguyễn Tri Phương, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
7. Công ty TNHH Cà phê Đắk Lắk, có sản phẩm cà phê bột trộn tổng hợp Đắk Lắk, địa chỉ 189 Nguyễn Thị Định, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).  
8. Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hải Hưng Thịnh, có sản phẩm cà phê bột Thượng Hải, địa chỉ 28/14/17 đường TA 19, tổ 8, khu phố 2, phường Thới An, quận 12 (TP. Hồ Chí Minh).
9. Cơ sở Sản xuất - Chế biến cà phê bột Nguyên Bảo, có sản phẩm cà phê bột Nguyên Thảo, địa chỉ xã Tâm Thắng, huyện Chư Jút (Đắk Nông).
10. Cơ sở sản xuất cà phê bột Trọng Tín, có sản phẩm cà phê bột Trọng Tín, địa chỉ Tây Lạc, Bùi Chu, Bắc Sơn, Trảng Bom (Đồng Nai).
11. Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thiên Tuấn, có sản phẩm cà phê bột Thiên Tuấn, địa chỉ 12C khu phố Đông Ba, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An (Bình Dương).
12. Công ty TNHH sản xuất Thương mại-Dịch vụ cà phê Đức Mạnh, có sản phẩm cà phê trộn thượng hạng Đức Mạnh, địa chỉ 219 Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh).
13. Cơ sở sản xuất cà phê Mê Việt, có sản phẩm cà phê bột Mê Việt, địa chỉ buôn Krông A, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nạn cà phê “bẩn” ở Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO