Nắm sát tình hình, giúp dân cảnh giác các “cò vay vốn”

10/10/2018 10:37

Tại cuộc họp đánh giá kết quả công tác dân vận, mặt trận, các đoàn thể 9 tháng năm 2018 mới đây, Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, qua khảo sát thực tế, toàn tỉnh hiện có 519 hộ dân, phần lớn là dân tộc thiểu số vay 119 tỷ đồng với lãi suất cao khoảng 12,5%/năm, thời hạn từ 1-5 năm tại 21 ngân hàng, chủ yếu ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Trong số 519 hộ thì có 50% hộ chủ yếu dân tộc thiểu số không có khả năng trả nợ; 60% hộ sử dụng vốn vay vào mục đích cá nhân như mua xe, làm nhà…

ADQuảng cáo

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, mặc dù tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về hậu quả sau này, nhưng điều đáng nói ở đây là công tác phát hiện, nắm tình hình còn chậm. Nếu tình trạng vay này diễn ra trên diện rộng, không ngăn chặn kịp thời, nhiều gia đình đứng trước nguy cơ không có tiền trả nợ đến hạn theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều hộ gia đình sẽ bị ngân hàng siết nợ, không có nhà để ở, đất để sản xuất, đói nghèo lại tiếp diễn.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Kim Huy, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là do công tác phát hiện, nắm tình hình của các cấp, ngành còn chậm. Bởi vì tình trạng này đã diễn ra từ lâu, nhưng không tổ chức nào biết, đến khi biết được thì đã có hàng trăm hộ vay. Trong đó, đội ngũ những người làm công tác dân vận cũng có một phần trách nhiệm. Bởi cán bộ dân vận, mặt trận, đoàn thể là những người gần dân, sát dân. Hầu hết nhân dân đều tham gia vào các hoạt động của tổ chức đoàn, hội. Do đó, nếu cán bộ làm công tác dân vận gần dân, sát dân, lắng nghe dân nhiều hơn thì có thể vấn đề này sẽ được phát hiện sớm, đồng nghĩa số hộ vay theo hình thức này giảm đi rất nhiều.

Bên cạnh đó, do thiếu hiểu biết, người dân thấy vay dễ dàng, giá trị vay nhiều khi vượt so với tài sản thế chấp nên cứ vay mà không lường được hậu quả. Đáng nói hơn, người dân vay tiền chỉ thông qua “cò”, chứ không qua chính quyền hay các tổ chức chính trị, xã hội ở cấp thôn nên khó quản lý. Cũng vì thông qua “cò”, nên ngoài việc đóng lãi ngân hàng trước 1 năm, các hộ gia đình còn trả tiền “cò” với mức cao từ 7-10% tổng số tiền vay, nên số tiền thực chất nhận được không là bao.

ADQuảng cáo

Trước thực tế đó, đồng chí Lê Kim Huy yêu cầu các tổ chức đoàn thể cần phải gần dân, tuyên truyền cho nhân dân hiểu được hậu quả của việc vay vốn này để ngăn chặn. Các tổ chức hội cần xem xét lại đối tượng được vay vốn do mình quản lý phù hợp hay không, không thể vì sợ người dân không có tiền trả đúng kỳ hạn mà vốn vay không đến được với những hộ nghèo. Ngược lại, các tổ chức hội cần ưu tiên cho người nghèo vốn vay sản xuất kết hợp với hỗ trợ người dân về cách sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, giám sát xem trong quá trình làm có khó khăn gì để giúp đỡ điều chỉnh. Bởi đã nghèo mà không tiếp cận được với vốn vay ưu đãi thì các “cò” sẽ lợi dụng để mời chào vay các ngân hàng.

Về phía các ngân hàng trong tỉnh cũng cần xem lại cơ chế, thủ tục cho vay vốn, nhất là vốn vay sản xuất đối với các hộ nghèo, tạo điều kiện để họ tiếp cận được các nguồn vốn vay. Chính quyền địa phương cần nắm bắt tình hình dân cư một cách chặt chẽ, kịp thời phát hiện những đối tượng lạ mặt, vận động người dân tham gia các hình thức vay vốn để xử lý, thông báo cho nhân dân cảnh giác, không để rơi vào bẫy của các “cò vay vốn”.

Các tổ chức chính trị, xã hội ở thôn, bon đều có các nguồn quỹ để giúp nhau xóa đói giảm nghèo, trong quá trình xét cho vay cần ưu tiên cho các hộ nghèo, hỗ trợ họ cách làm, cách sử dụng vốn vay đúng mục đích để mang lại hiệu quả. Công tác vận động nông dân tham gia vào các tổ chức đoàn thể phù hợp cũng cần được chú trọng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là nắm bắt rõ hơn tình hình, tâm tư, nguyện vọng của họ. Hơn nữa, vào hội sẽ có sự giúp đỡ giữa hội viên với nhau và giữa tổ chức với hội viên nên những hộ khó khăn cũng có điều kiện hơn để phát triển sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nắm sát tình hình, giúp dân cảnh giác các “cò vay vốn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO