Liên quan đến khiếu nại đất đai trên địa bàn huyện Tuy Đức: Nhiều hộ gia đình chưa nắm, hiểu luật

Bình Minh| 26/07/2018 09:42

Thực tế thời gian qua nhiều hộ lấn chiếm, trồng cây công nghiệp, xây nhà kiên cố trái phép trên đất rừng nhưng không nhận thức được hành vi của mình, tiến hành khiếu nại kéo dài làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

ADQuảng cáo

Nhiều diện tích rừng bị phá trái phép trồng mì tại tiểu khu 1529, xã Quảng Trực thuộc lâm phận Công ty Cổ phần Địa ốc Khang Nam (TP. Hồ Chí Minh) quản lý. Ảnh: Ngàn Sâu

Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại, giải quyết khiếu nại đối với nhiều trường hợp trên địa bàn huyện Tuy Đức liên quan đến khiếu nại đất đai và tài sản trên đất sau khi bị lực lượng chức năng cưỡng chế, thu hồi.

Bà Nguyễn Thị Thi, trú tại suối Đắk Ngo, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) là một trong số hơn 10 hộ gia đình có đơn khiếu nại khi cho rằng việc Đoàn 12 của tỉnh, Đoàn 12 của huyện Tuy Đức cưỡng chế thu hồi đất không đúng quy định của pháp luật, yêu cầu trả lại đất và bồi thường tài sản, cây trồng gắn liền trên đất. Tổng diện tích đất của gia đình bà Thi bị cưỡng chế, thu hồi tại tiểu khu 1538, 1521 là 4,9 ha thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín được giao quản lý. Trên diện tích đất này, gia đình bà Thi có trồng điều xen mỳ và xây dựng 1 căn nhà kiên cố để ở.

Qua kiểm tra, xác minh, bà Thi không có hộ khẩu như khai báo thường trú tại suối Đắk Ngo, xã Đắk Ngo. Diện tích đất bà Thi khai nhận tại tiểu khu 1538 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, mọi hành vi lấn chiếm trồng cây cối, hoa màu và dựng nhà trên diện tích này là trái pháp luật.

Trong quá trình Đoàn 12 của tỉnh, của huyện Tuy Đức đi kiểm tra, lập biên bản, tiến hành xác minh, rà soát đối tượng vi phạm, củng cố hồ sơ để xử lý, đồng thời thông báo rộng rãi, niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã Đắk Ngo nhưng bà Thi đã không tự giác đến khai báo, nhận là người đang sử dụng diện tích đất rừng đã lấn chiếm để cơ quan chuyên môn có cơ sở xem xét theo quy định của pháp luật. Bà Thi cũng không cung cấp được chứng cứ, chứng minh đã khai hoang sử dụng diện tích đất, không cung cấp được chứng cứ chứng minh tài sản bị thiệt hại nên không có cơ sở để xác định tài sản, hoa màu gắn liền với đất.

Hơn nữa theo quy định đối với đất và tài sản gắn liền với đất do lấn chiếm trái phép thì không được bồi thường; do đó không có cơ sở và căn cứ tính toán bồi thường hỗ trợ về đất, tài sản gắn liền với đất cho hộ bà Thi. Việc bà Thi đề nghị các cơ quan nhà nước trả lại đất đã cưỡng chế là không có cơ sở giải quyết.

ADQuảng cáo

Tương tự, khiếu nại của ông Điểu Dre, trú tại bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo cũng hoàn toàn sai so với các quy định của pháp luật. Cụ thể, mặc dù lấn chiếm đất rừng trái phép với diện tích 5 ha tại tiểu khu 1537 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín để trồng mỳ, cao su, điều nhưng ông lại cho rằng hành động này là tự khai phá, không phải đất rừng. Do vậy, khi nhà nước thu hồi đất thì phải thỏa thuận, bồi thường theo quy định.

Tuy nhiên, kết quả thẩm tra, xác minh, kết luận của Thanh tra tỉnh thì toàn bộ diện tích đất mà ông Điểu Dre khiếu nại là đất lấn chiếm thuộc đất rừng được nhà nước giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín quản lý, sử dụng. Mọi hành vi lấn chiếm, trồng cây, làm nhà trên diện tích này đều trái pháp luật. Ngoài ra, ông Điểu Dre cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền trên đất để cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ, bồi thường theo quy định. Như vậy, việc khiếu nại của ông Điểu Dre đối với Đoàn 12 của tỉnh, Đoàn 12 của huyện Tuy Đức trong việc cưỡng chế giải tỏa không đúng quy định của pháp luật là khiếu nại sai.   

Trường hợp của bà Thi, ông ông Điểu Dre cũng là tình trạng chung của rất nhiều cá nhân khác có nội dung đơn khiếu nại tương tự.

Được biết, trước đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong khoảng thời gian từ ngày 15-28/4/2010, Đoàn 12 của tỉnh đã phối hợp với Đoàn 12 của huyện Tuy Đức đã tiến hành kiểm tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, lập biên bản xác minh về việc lấn chiếm sử dụng đất rừng trái pháp luật trên địa bàn xã Đắk Ngo. Sau đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành cưỡng chế giải tỏa các hộ dân xâm canh tại các tiểu khu thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín quản lý. Trước khi tiến hành cưỡng chế, các văn bản chỉ đạo đã được UBND huyện Tuy Đức niêm yếu công khai tại trụ sở UBND xã Đắk Ngo và thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng. Được biết, trước khi ban hành quyết định về giải quyết khiếu nại,

UBND tỉnh cũng đã tổ chức đối thoại với người dân. Tại các buổi đối thoại, sau khi nghe ý kiến trình bày của người dân, ý kiến của các ngành, địa phương, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã kết luận, thống nhất với kết quả thẩm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị của Thanh tra tỉnh. Trên cơ sở này, UBND tỉnh nêu rõ, các hộ dân đã sử dụng đất trái phép, không cung cấp được chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất để cơ quan có thẩm quyền có cơ sở xem xét, hỗ trợ, bồi thường.

Rõ ràng, việc lấn chiếm đất rừng là hoàn toàn vi phạm pháp luật. Vì thế, những trường hợp khiếu nại kiểu như thế này là không hiểu rõ luật, làm phức tạp thêm tình hình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên quan đến khiếu nại đất đai trên địa bàn huyện Tuy Đức: Nhiều hộ gia đình chưa nắm, hiểu luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO