Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em

Tường Mạnh| 17/12/2019 09:01

Mới đây, thực hiện Công điện số 01 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Công văn số 5913 ngày 6/12/2019 gửi các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

ADQuảng cáo

Sở dĩ nhấn mạnh đến hai chữ “tăng cường” là bởi chỉ tính riêng trong năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành đến 4 công văn chỉ đạo triển khai thực hiện công tác trẻ em, nhất là liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tại Diễn đàn trẻ em tỉnh năm 2019, nhiều trẻ em nêu ý kiến cần được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Ảnh Thanh Nga

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bạo lực, xâm hại trẻ em đang là vấn nạn của toàn xã hội, hậu quả mà các em phải gánh chịu là những tổn thương về sức khỏe thể chất và tinh thần, làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội, thậm chí có thể hủy hoại tương lai các em. Nhiều trường hợp, người thực hiện hành vi gây bạo lực, xâm hại trẻ em là người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Đặc biệt, còn có tình trạng trẻ em xâm hại trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em và các đối tượng bị cơ quan chức năng truy tố, bắt giữ, xử lý cũng như các cơ quan báo chí thông tin rộng rãi. Có những vụ việc, vụ án, những hành vi xâm hại trẻ em của các đối tượng hết sức đồi bại, mất nhân tính, thật sự là những “yêu râu xanh”. Dã man, thú tính hơn, có những “yêu râu xanh” lại là người thân trong gia đình của nạn nhân và nạn nhân là những trẻ em còn rất nhỏ dại.

Đây chỉ là số vụ việc đã được xử lý, thông tin, do người bị hại trình báo với cơ quan chức năng. Trên thực tế, không ít trẻ em đã bị xâm hại mà gia đình cũng như người bị hại chưa dám lên tiếng vì tâm lý e ngại, sợ xấu hổ với bà con hàng xóm hay sợ ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của con em mình sau này. Trong khi đó, công tác điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của những đối tượng xâm hại trẻ em tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa của cơ quan chức năng còn gặp rất nhiều khó khăn.

Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em luôn là thông điệp mang tính nhân văn cao cả. Ảnh: Thanh Nga

ADQuảng cáo

Theo các chuyên gia về y học-tâm lý, trẻ em bị xâm hại tình dục sẽ bị những sang chấn tâm lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến cả cuộc sống lâu dài về sau này. Khi bị xâm hại, ngoài những tác động tiêu cực về thể chất, trẻ còn gặp những di chứng về tâm thần. Nhiều trẻ sau khi bị xâm hại tình dục có sự hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý. Nhiều trẻ bị xâm hại thường xuyên không dám nói với người lớn, phải âm thầm chịu đựng, dễ bị trầm cảm, mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập với xã hội. Nghiêm trọng hơn, sau khi bị xâm hại tình dục, không ít trẻ có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về mặt tinh thần. Về lâu dài, việc bị xâm hại từ nhỏ sẽ ám ảnh cả đời đối với nạn nhân. Các chuyên gia đều cho rằng, việc xâm phạm trẻ em là tội ác, vì chúng có thể phá hủy cuộc đời của một đứa trẻ và để lại những hậu quả nặng nề.

Vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em không phải là vấn đề mới, nhưng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố cho thấy thời gian gần đây, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp. Theo số liệu của ngành chức năng, mỗi năm trên cả nước có trên 1.000 vụ bạo lực, xâm hại  trẻ em xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội, lo lắng cho các gia đình có trẻ em gái. Thế nhưng, việc xử lý một số vụ việc lại không kịp thời, gây bất bình trong người dân, bức xúc trong xã hội và vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em.

Những kẻ có hành vi đồi bại sẽ bị truy tố, bắt giữ, chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị một cách thích đáng, nhưng vấn đề đặt ra ở đây đó là làm sao ngăn ngừa được những hành vi xâm hại trẻ em một cách hiệu quả. Bởi vì, những hành vi đồi bại, thú tính của những kẻ mất nhân tính luôn ẩn sâu trong các gia đình, thôn xóm, không biết bộc phát lúc nào, nên khó lường trước được.

Vì vậy, trước hết và trên hết, ngay chính trong các gia đình, các bậc cha mẹ phải luôn quan tâm quản lý, giáo dục, hướng dẫn con em đừng để rơi vào tay những “yêu râu xanh”, trở thành nạn nhân bị xâm hại. Mặt khác, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, cung cấp cho trẻ em kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình, lên án với hành vi xâm hại tình dục. Đặc biệt, pháp luật phải xử lý thật mạnh tay, thật nghiêm khắc đối với những “yêu râu xanh”, để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này. Những vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em cũng cần được tổ chức xét xử lưu động, thu hút đông đảo người dân theo dõi, để giáo dục, tạo sự răn đe cao trong cộng đồng, góp phần ngăn ngừa các hành vi đồi bại.

Với tinh thần đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp bảo vệ trẻ em, xử lý nghiêm các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, điều tra làm rõ các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em luôn là thông điệp mang tính nhân văn cao cả. Vì vậy, mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội hãy tích cực hưởng ứng thông điệp bằng những hành động cụ thể, thiết thực nhất. Không những quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em mà mỗi người, mỗi nhà cần phải mạnh dạn lên tiếng, tố giác những hành vi đồi bại, xâm hại trẻ em, góp sức răn đe, loại trừ những kẻ mất hết nhân tính ra khỏi cộng đồng, giúp trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO