Dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu bùng phát mạnh trong mùa mưa

Hồng Thoan| 11/09/2019 10:51

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong khoảng 2 tháng nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang có xu hướng bùng phát rộng hơn.

ADQuảng cáo

 Mưa kéo dài, độ ẩm không khí cao và một số nơi ngập úng càng dễ bùng phát dịch DTLCP trên diện rộng. Thực tế này cần sự tập trung, quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành, người dân mới có thể khống chế, ngăn chặn nhằm giảm bớt thiệt hại.

Nhân viên thú y phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa)

Krông Nô là một trong những địa phương ghi nhận sự xuất hiện lây lan DTLCP khá mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể, từ ngày 26/8/2019 đến ngày 2/9/2019, trên địa bàn huyện này phát sinh thêm 10 ổ DTLCP. Số lượng lợn bị DTLCP phải tiêu hủy là 130 con. Đến nay, DLTCP đã xuất hiện tại 9/12 thôn ở Krông Nô gồm: Đắk D’rô, thị trấn Đắk Mâm, Nam Đà, Quảng Phú, Đắk Sôr, Nâm N’đir, Đắk Nang, Buôn Choáh và Nâm Nung. Tổng cộng có 1.228 con lợn của 71 hộ dân ở Krông Nô bị DTLCP phải tiêu hủy.

Huyện Tuy Đức cũng ghi nhận là địa phương có DTLCP đang phát sinh nhanh. Từ ngày 26/8/2019 đến ngày 2/9/2019, địa bàn đã có thêm 10 ổ DTLCP. Địa phương này thêm 1 xã mới có dịch là xã Quảng Tâm. Đến nay, các xã đã xuất hiện DTLCP gồm: Quảng Trực, Quảng Tân, Đắk R’tíh, Đắk Búk So, Quảng Tâm. Tuy Đức cũng đã tiêu hủy 219 con lợn bị DTLCP, với khối lượng tiêu hủy 8.163 kg. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Đức, dịch bệnh trên địa bàn đều phát sinh ở các hộ nuôi nhỏ lẻ, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc có tập quán nuôi lợn thả rông.

ADQuảng cáo

Toàn tỉnh đã tiêu hủy 2.954 con lợn bị nhiễm bệnh DTLCP

Không chỉ ở Tuy Đức, Krông Nô, đến nay DTLCP đã xảy ra tại 195 hộ chăn nuôi lợn của 93 thôn ở 37 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Tổng số lợn bị DTLCP là 2.954 con với tổng trọng lượng 207.968 kg. Xu hướng bệnh DTLCP có diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Trong điều kiện mưa lũ như hiện nay, dịch bệnh dễ dàng phát tán, lây lan sang các địa bàn chưa có dịch và khả năng cao sẽ xâm nhiễm vào các cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn gây thiệt hại nặng nề hơn về kinh tế.

Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chương trình số 45-Ctr/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế DTLCP. Theo đó, Tỉnh ủy coi việc phòng, chống, khống chế DTLCP là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Để ngăn chặn, kiểm soát và sớm loại bỏ được bệnh này, Ban thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện tốt các nhiệm vụ phòng, chống, khống chế dịch. Các huyện ủy, thị ủy tập trung chỉ đạo công tác này theo đúng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn mình; Ủy ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể hướng hoạt động về cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tham gia và giám sát phòng, chống ngay tại khu dân cư...

Để khống chế, ngăn chặn DTLCP có hiệu quả hơn, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã; các sở, ngành, triển khai các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp - PTNT và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Từ nguồn dự trữ quốc gia, Sở sẽ nhận thêm 10.000 lít hóa chất để cấp cho các huyện, thị xã nhằm tăng cường tiêu độc, khử trùng. Cùng với đó, các địa phương phải nâng cao hiệu quả công tác phát hiện sớm ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh, triển khai kịp thời các biện pháp khống chế, tiêu diệt dịch.

Việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn có vai trò quan trọng để hạn chế lây lan dịch. Ngành Nông nghiệp đã đề nghị các huyện, thị xã tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, cấp bách, đồng bộ các biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP tại các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu bùng phát mạnh trong mùa mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO