Đắk Glong: Tăng cường công tác thu gom vũ khí, vật liệu nổ

Lê Thực| 23/09/2015 09:23

Theo đánh giá của Công an huyện Đắk Glong, tình hình sử dụng súng tự chế, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép trên địa bàn huyện thời gian qua diễn biến phức tạp.

ADQuảng cáo

Từ năm 2012 đến nay, lực lượng Công an huyện Đắk Glong đã phát hiện 13 vụ, 23 đối tượng có liên quan đến việc sử dụng súng săn, súng tự chế trái phép làm chết 2 người và bị thương 5 người.

Xã Đắk R’măng là một trong những điểm “nóng” của huyện về tình trạng người dân sử dụng súng tự chế, súng săn. Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 4 vụ, làm bị thương 3 người có liên quan đến việc sử dụng súng tự chế, súng săn.

Theo anh Nguyễn Trọng Lực, Phó trưởng Công an xã Đắk R’măng, do tập quán sử dụng súng tự chế và các loại vũ khí thô sơ của một số dân tộc, nhất là đối với dân tộc Mông để săn bắn thú rừng, bảo vệ mùa màng, dẫn đến xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Người dân xã Đắk R'măng (Đắk Glong) tích cực tham gia giao nộp vũ khí. Ảnh: Phạm Khánh

ADQuảng cáo

Để thực hiện tốt Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH, ngày 30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn, địa phương đã phối hợp với Công an huyện tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật, không tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng dân cư, trong dòng họ, trong các điểm nhóm tôn giáo vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí. Cùng với việc vận động nhân dân tự giác giao nộp các loại súng săn, súng tự chế; tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...

Thông qua các hội nghị tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân về những quy định của Nhà nước, tác hại của việc sử dụng súng săn, súng tự chế, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được nâng lên rõ rệt.

Anh Cháng A Thính, thôn 6 cho biết: “Trước đây, khi tôi còn nhỏ đã thấy cha, ông sử dụng súng để săn bắn, bảo vệ mùa màng, bảo vệ gia đình rồi. Vì vậy, khi lớn, tôi cũng sử dụng súng săn, súng tự chế để săn bắn, bảo vệ gia đình, mùa màng…Tuy nhiên, khi được tham gia các buổi tuyên truyền, tôi đã biết các quy định của Nhà nước và sự nguy hiểm của việc sử dụng súng săn, súng tự chế nên tôi đã giao nộp súng rồi”.

Theo Công an huyện Đắk Glong, từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chức năng đã thu được 1 khẩu súng quân dụng AR15, 166 súng tự chế các loại, 1,95 kg thuốc nổ, 4 nòng súng tự chế và nhiều loại công cụ hỗ trợ khác. Trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ có hình thức khen thưởng kịp thời đối với các hộ tự nguyện giao nộp, đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Phấn đấu đến hết năm 2016, địa phương sẽ cơ bản không còn tình trạng người dân sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái quy định pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong: Tăng cường công tác thu gom vũ khí, vật liệu nổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO