Đắk D’rông, bức xúc về việc một cán bộ “vay ké”

Phan Tuấn| 09/04/2014 13:48

Thời gian gần đây, rất nhiều hộ dân ở xã Đắk D’rông (Chư Jút) đang rất bức xúc, lo lắng là sẽ bị mất trắng số tiền do bà Nguyễn Thị Đông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đắk D’rông, cộng tác viên Ngân hàng Chính sách - xã hội (CSXH) huyện Chư Jút lợi dụng uy tín, quyền hạn để “vay ké” từ nhiều năm qua.

ADQuảng cáo

Tìm hiểu thực tế tại cơ sở, ông Liêu Văn Thắm, một người dân ở thôn 9 cho biết: “Vào tháng 3/2011, gia đình tôi có nhu cầu vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay hộ sản xuất vùng khó khăn để đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ vay vốn thì bà Đông yêu cầu phải được “vay ké” 10 triệu đồng mới làm thủ tục cho vay. Không còn sự lựa chọn nào khác, gia đình đành phải chấp nhận yêu sách của bà Đông đưa ra. Hàng tháng, bà Đông vẫn đóng đầy đủ lãi suất đối với 10 triệu đồng “vay ké” của gia đình. Thế nhưng, đến ngày 16/3 vừa rồi, khi đến hạn gia đình tôi phải trả đủ số nợ gốc 30 triệu đồng cho ngân hàng thì bà Đông đã không trả số tiền này”.

Tương tự, chị Hoàng Thị Xanh, ở thôn 8 nói: “Cách đây 3 năm, khi gia đình đang rất khó khăn thì bà Đông đã tìm đến nhà và đặt vấn đề sẽ giúp vay vốn 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện. Nếu gia đình cho bà Đông “vay ké” 10 triệu đồng thì sẽ làm giúp hồ sơ và hoàn thành mọi thủ tục vay vốn. Trong hoàn cảnh đang gặp nhiều khó khăn nên gia đình tôi đành chấp nhận lời đề nghị của bà Đông. Thời gian qua, bà Đông cũng đã đóng lãi suất cho gia đình đầy đủ, nhưng khi đến hạn phải trả nợ số nợ gốc thì không thấy bà nói năng gì. Nếu bà Đông không trả số tiền trên thì gia đình chẳng biết lấy gì để mà trả nợ, không chừng phải thế chấp cả nhà cửa để bù vào số tiền đó”.

Bà Hoàng Thị Xanh (giữa) kể về nguyên nhân bị  “vay ké”

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đắk D’rông xác nhận: “Những thông tin mà người dân phản ánh về bà Nguyễn Thị Đông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã lợi dụng uy tín, quyền hạn để “vay ké” vốn của dân là có thật, xã đã xác minh. Để giải quyết vấn đề, hiện nay xã đã đình chỉ công việc của bà Đông để chờ cơ quan chức năng đưa ra kết luận cuối cùng”.

Theo ông Thành, từ cuối năm 2013, khi gia đình bà Đông gặp khó khăn, chồng, con đi khỏi địa phương nên nhiều người dân mới đồn đại về việc bà Đông “vay ké”, nhưng không còn khả năng trả nợ. Trước sự việc trên, chính quyền địa phương đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tiến hành họp dân để làm sáng tỏ sự việc. Qua điều tra cho thấy, bà Đông đã “vay ké” 115 hộ dân với số tiền trên 1,1 tỷ đồng, thấp nhất là 2,5 triệu đồng/hộ, cao nhất là 25 triệu đồng/hộ.

ADQuảng cáo

Theo ông Trần Quang Điệp, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Chư Jút thì trong vòng 3 năm (2010-2012), bà Đông đã “vay ké” với số tiền trên 1,1 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở 2 chương trình: tín dụng cho vay hộ sản xuất vùng khó khăn và vay vốn hộ nghèo.

Điều đáng nói là mặc dù hàng năm, ngân hàng đều tổ chức họp dân để đối chiếu với các hộ vay vốn, nhưng không có gia đình nào kêu ca, phàn nàn về việc “vay ké” của bà Đông. Hiện nay, sau khi sự việc xảy ra, ngân hàng đã nhiều lần xuống cơ sở để làm việc trực tiếp với các hộ dân nhằm điều tra chính xác số nợ của bà Đông.

Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xử lý sự việc theo đúng pháp luật. Về phía người dân, trách nhiệm của các hộ vay là vẫn phải trả đầy đủ số nợ cho ngân hàng. Qua làm việc, bà Đông cũng cam kết sẽ tìm cách khắc phục sự việc và trả đủ số nợ nói trên theo đúng thời hạn.

Qua tìm hiểu sự việc được biết, phần lớn những người dân trong cuộc đều cho rằng, vì khó tiếp cận với ngân hàng, trong khi bản thân lại không nắm rõ được các chính sách ưu đãi của Nhà nước nên đành phải chấp nhận bị “vay ké”.

Tuy nhiên, trong các cuộc họp bình xét vay vốn và họp đối chiếu các khoản vay thì người dân lại không dám lên tiếng nên sự việc mới kéo dài trong nhiều năm liền như vậy. Trước sự việc nêu trên, cùng với việc giải quyết hợp tình, hợp lý, chính quyền, các ngành chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, giúp người dân hiểu đúng, đủ các chương trình, chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước, tránh xảy ra tình trạng chịu nhiều sức ép trong vay vốn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk D’rông, bức xúc về việc một cán bộ “vay ké”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO