Đại úy Ngô Văn Dũng "có duyên" bắt tội phạm truy nã

Minh Tín| 15/04/2014 13:47

Nói về tội phạm truy nã thì công tác truy tìm, bắt giữ các đối tượng về quy án là một việc hết sức khó khăn, nguy hiểm. Để bắt được các đối tượng này, ngoài bản lĩnh, kinh nghiệm dày dặn thì còn đòi hỏi trinh sát truy nã phải có “duyên” và tâm huyết với nghề.

ADQuảng cáo

Đại úy Ngô Văn Dũng, Đội trưởng Đội truy bắt đối tượng truy nã hệ trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh là một người như thế.

Trong nhiều năm làm nhiệm vụ truy nã tội phạm thì việc truy bắt đối tượng Phạm Trung Hà, phạm tội giết người là vụ án khó khăn và nguy hiểm nhất. Phạm Trung Hà (SN 1977), trú tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong việc làm rẫy mà Hà đã cùng với một đối tượng khác dùng dao chém chết một người và làm một người khác bị thương nặng.

Đại úy Ngô Văn Dũng (thứ hai từ trái sang) dẫn giải đối tượng Phạm Trung Hà từ nước bạn Lào

Sau khi gây án, Hà đã bỏ trốn khỏi địa phương và bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh ra lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội giết người và cố ý gây thương tích. Phạm Trung Hà là một đối tượng có nhân thân lai lịch hết sức phức tạp, sau khi đối tượng bỏ trốn, cơ quan Công an đã xác định được đối tượng đang lẩn trốn trên nước bạn Lào.

Tuy nhiên, với bản chất ma mãnh của mình, Phạm Trung Hà thường xuyên di chuyển địa điểm cư trú giữa ba nước Lào-Thái Lan-Campuchia để hành nghề mua bán, khai thác gỗ gây rất nhiều khó khăn cho công tác truy tìm, truy bắt.

Đã nhiều lần cán bộ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh phối hợp với Cục Cảnh sát truy nã tội phạm Bộ Công an tiến hành truy lùng đối tượng ở địa phận ba quốc gia trên nhưng vẫn không đạt được kết quả bởi Hà luôn cảnh giác cao độ và lúc nào cũng thủ vũ khí ở bên mình, sẵn sàng “mở đường máu” để thoát khỏi vòng vây của các trinh sát.

Sau nhiều tháng lăn lộn khắp nơi, chịu nhiều khó khăn, vào một ngày trung tuần tháng 5/2013, Đại úy Ngô Văn Dũng nhận được nguồn tin vô cùng quý giá là đối tượng Phạm Trung Hà đang ở với một người phụ nữ Việt Nam tại Km số 52, huyện Xay Xét Thủ, tỉnh A Ta Pư (Lào).

ADQuảng cáo

Ngay lập tức, tổ công tác của Đại úy Ngô Văn Dũng cùng đồng đội nhanh chóng lên đường tìm đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum. Tổ công tác vượt chặng đường hơn 100km để đến huyện Xay Xét Thủ, tỉnh A Ta Pư, nơi đối tượng đang ẩn náu.

Được sự phối hợp, giúp đỡ rất nhiệt tình của các lực lượng thuộc Công an nước bạn Lào, vào lúc 21 giờ ngày 4/7/2013, khi đối tượng vừa đi làm gỗ về, Đại úy Dũng cùng đồng đội gồm Thượng tá Vi Đức Bảo và Đại úy Nguyễn Thanh Lý đã lao vào quật ngã đối tượng. Như con thú bị mắc bẫy, Phạm Trung Hà điên cuồng dùng dao chống trả, chỉ khi 3 phát súng của tổ công tác vang lên thì đối tượng mới ngoan ngoãn tra tay vào còng, kết thúc 5 năm sống ngoài vòng pháp luật.

Một vụ án khác, Đại úy Dũng không thể quên bởi qua vụ án này đã giúp anh có thêm kinh nghiệm. Phạm Thị Thu Hiền (SN 1958), trú tại Quận 8, TP. Hồ Chí Minh, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông ra quyết định truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng trị giá lên đến hơn 5 tỷ đồng. Sau khi gây án, đối tượng đã bỏ trốn sang tỉnh Ca Ra Chê (Campuchia) sống chui lủi trong các bãi khai thác vàng của nước bạn.

Quá trình truy tìm, theo dõi, sử dụng tất cả các biện pháp nghiệp vụ, Đại úy Dũng đã phát hiện ra nơi ẩn náu của đối tượng nhưng anh quyết định không tổ chức vây bắt mà tiến hành vận động, giải thích cho người nhà cũng như đối tượng tự ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Trước sự chân thành và nhiệt huyết của anh, ngày 13/8/2013, Phạm Thị Thu Hiền đã vượt hơn 1000 cây số từ nước bạn Campuchia về tại Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh để đầu thú.

Trưởng thành từ một cán bộ của Đội trọng án, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, sau 4 năm được điều chuyển sang làm lính truy nã, Đại úy Ngô Văn Dũng đã cùng với đồng đội bắt, vận động đầu thú hơn 200 đối tượng, trong đó có gần một nửa là đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Riêng bản thân anh đã trực tiếp bắt giữ hơn 50 đối tượng, được Bộ Công an cũng như UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh tặng nhiều Bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác truy nã. Đại úy Ngô Văn Dũng tâm niệm “đã là lính truy nã thì phải lấy việc truy bắt, vận động đối tượng phạm tội ra đầu thú làm thước đo hiệu quả công việc và niềm vui của chính bản thân mình”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại úy Ngô Văn Dũng "có duyên" bắt tội phạm truy nã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO