Công tác phòng cháy, chữa cháy: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm toàn xã hội

Phan Tuấn| 02/10/2015 09:00

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PC 66), Công an tỉnh, chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, trên toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ cháy nổ, gây thiệt hại về kinh tế trên 18 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Trong đó, có 4 vụ cháy nổ là do chập điện; 1 vụ do bất cẩn khi sử dụng lửa; 2 vụ tự đốt; 8 vụ đang được cơ quan điều tra xác minh… So với cùng kỳ năm trước tăng 8 vụ cháy nổ và thiệt hại về kinh tế tăng hơn 16 tỷ đồng  (tăng 800%).

Cảnh sát PC 66 kiểm tra, nhắc nhở công tác PCCC tại đại lý kinh doanh xăng dầu tại xã Quảng Thành (Gia Nghĩa)

Điển hình như vào lúc 11 giờ 20 phút ngày 14/1, tại công trường xây dựng thuộc Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp) đã xảy ra sự cố cháy nổ làm hư hỏng một số thiết bị máy móc quan trọng, thiệt hại về kinh tế ước tính lên đến 10 tỷ đồng.

Nguyên nhân được xác định là trong quá trình hàn cắt kim loại, các công nhân đã làm phát sinh nguồn lửa gây cháy âm ỉ các bao bì trong nhà xưởng, đến khi phát hiện sự việc thì đã quá muộn và không còn cách xử lý.

Gần đây hơn, vào khoảng 2 giờ sáng ngày 9/8, nhà của anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn 4, xã Quảng Khê (Đắk Glong) là cửa hàng mua bán phụ tùng, sửa chữa máy móc nông cụ cũng bị cháy dữ dội vì ngọn lửa gặp dầu nhớt bốc cháy rất nhanh. Sau đó, ngọn lửa lớn từ ngôi nhà gỗ của anh Thắng kết hợp với gió to đã lan sang cả dãy nhà gỗ và quán cà phê ở sát bên cạnh, làm thiệt hại về mặt tài sản khoảng 1 tỷ đồng. Nguyên nhân vụ cháy được các ngành chức năng xác định là do sự cố chập điện.

ADQuảng cáo

Theo Đại tá Trần Văn Thùy, Trưởng Phòng PC 66 thì hầu hết các vụ cháy nổ đều thuộc khu vực tư nhân và nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa chấp hành tốt các quy định an toàn về phòng chống cháy nổ, còn lơ là, vô ý trong quá trình sử dụng điện, lửa…

Điều đáng nói là một số vụ cháy mặc dù được người dân phát hiện khá sớm nhưng vẫn để lại hậu quả nghiêm trọng bởi những địa điểm cháy nổ thường ở vùng sâu, vùng xa, cách xa lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Trong khi về phía người dân lại thiếu kỹ năng cũng như dụng cụ dập lửa nên đành bất lực nhìn ngọn lửa thiêu rụi tài sản của mình.

Hiện nay, mới chỉ có các cơ sở kinh doanh có điều kiện mua sắm các thiết bị PCCC theo kiến nghị của cơ quan chức năng. Trong khi đó, nhiều bộ phận dân cư, cửa hàng kinh doanh, sản xuất vẫn còn lơ là, xem nhẹ việc trang bị các thiết bị chữa cháy, mặc dù giá cả các vật dụng này không đắt lắm, chỉ vài trăm nghìn đồng.

Trước thực tế trên, theo Đại tá Trần Văn Thùy, vấn đề mấu chốt hiện nay là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm sao cho mọi người dân cùng chung tay thực hiện tốt công tác PCCC. Về phía lực lượng PC 66, với vai trò chủ công, đơn vị sẽ tích cực, chủ động tham mưu UBND tỉnh kịp thời ban hành các chỉ thị, kế hoạch chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc luật PCCC. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra an toàn PCCC tại các khu dân cư, đơn vị, doanh nghiệp cũng sẽ được chú trọng thực hiện nhằm nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời, hạn chế để xảy ra các vụ cháy nổ, gây thiệt hại về người và tài sản.

Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của các ngành chức năng thì về phía các cấp chính quyền, địa phương, người dân cần quan tâm củng cố, xây dựng công tác PCCC theo phương châm “4 tại chỗ” bao gồm: Người tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Riêng các hộ gia đình thì trong quá trình thực hiện việc đun nấu phải đảm bảo các biện pháp an toàn PCCC, không để bếp sát gần những vật liệu dễ cháy, phải có người trông coi. Trước khi ra khỏi nhà, mọi người phải kiểm tra các nguồn sử dụng lửa, ngắt các thiết bị điện và nên chủ động trang bị các phương tiện chữa cháy để sử dụng trong những trường hợp phát sinh các vụ cháy nổ ngoài ý muốn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác phòng cháy, chữa cháy: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm toàn xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO