Công tác hòa giải ở cơ sở tạo đồng thuận trong xã hội

Hoàng Bảo| 03/08/2020 07:07

Theo đánh giá của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, qua 6 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, hiệu quả, tạo đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

ADQuảng cáo

Hoạt động hòa giải bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội

Tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải được thành lập tại cấp thôn với 600.462 hòa giải viên. Từ năm -2019, các tổ hòa giải cả nước đã hòa giải 875.312 vụ việc, hòa giải thành công 707.945 vụ, việc (đạt 80,9%). Những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, không để kéo dài, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan Nhà nước, khiếu kiện các cấp.

Công tác vận động hòa giải phải chạm đến trái tim

Tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ việc dân sự của các tòa án cũng tăng dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2016, các tòa án đã hòa giải thành công 157.916 vụ, bằng 50% trên tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết. Năm 2017 là 173.958 vụ, đạt tỷ lệ 50,6%. Năm 2018 là 184.143 vụ, đạt tỷ lệ 53,2%. Năm 2019 là 201.995 vụ, đạt tỷ lệ 52,1%.

Đặc biệt năm 2018, tại Hải Phòng, Tòa án Nhân dân Tối cao đã khởi động Đề án thí điểm hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, hoạt động này đã được mở rộng thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố với 627 hòa giải viên tại 124 trung tâm.

Sau những nỗ lực của Tòa án Nhân dân Tối cao và các địa phương, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án đã được trình lên Quốc hội. Ngày 16/6/2020, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Đến nay, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và hoạt động của hòa giải viên lao động, trọng tài lao động trong quy định của Bộ luật Lao động góp phần giải quyết tranh chấp lao động.

Cùng với các cơ chế hòa giải, đối thoại được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... hoạt động hòa giải đã bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội.

ADQuảng cáo

Hòa giải, vận động chạm đến trái tim

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, hòa giải là thiết chế đa năng, giải quyết tất cả các xung đột, từ dân sự đến kinh tế, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, tư pháp, thậm chí các xung đột chính trị. Với sự ra đời của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ có một thiết chế hòa giải mới để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đã gửi đến tòa án nếu như không hòa giải được thì phải mở phiên tòa xét xử.

“Có thể nói thực chất hòa giải của tòa án chính là công tác dân vận. Để hòa giải thành công không chỉ có hiểu biết pháp luật, có chuyên môn sâu mà điều quan trọng là phải có tấm lòng nhân ái và thiện tâm. Tất cả vụ án hòa giải thành công đều có phương pháp dân vận khéo, vận động chạm đến trái tim, làm thức tỉnh lòng cao thượng, sự vị tha, sẵn sàng chia sẻ cảm thông của các bên tranh chấp", ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.

Để thiết chế hòa giải tại tòa án cũng như hòa giải cơ sở và hòa giải trong tố tụng thành công, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh đến trách nhiệm, tấm lòng của hòa giải viên là yếu tố đặc biệt quan trọng để thành công. Tất cả tòa án, đặc biệt là các thẩm phán phải xem nhiệm vụ hòa giải như là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, không chỉ giải quyết nhiệm vụ chuyên môn mà giải quyết các nhiệm vụ dân vận của Đảng.

Vì vậy, các thẩm phán phải tham gia đầy đủ tất cả thiết chế hòa giải từ hòa giải cơ sở đến hòa giải tại tòa án và hòa giải theo tố tụng. Trong tương lai, công tác hòa giải sẽ trở thành một xu thế phổ biến, nổi trội trong đời sống của người dân, bởi đây là tiêu chí của một xã hội văn minh, thân thiện.

Xử lý các vấn đề phải có lý, có tình

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cho rằng, năm 2020 có chủ đề “Năm dân vận khéo”. Và muốn “khéo” thì tất cả chính quyền các cấp cần nắm chắc quy định của pháp luật. Muốn “khéo” trong xử lý các vấn đề phải có lý, có tình, không chỉ hòa giải viên mà cán bộ chính quyền các cấp phải vì dân và muốn dân hiểu phải xuất phát từ tấm lòng.

Đồng thời, đội ngũ cán bộ tham gia giải quyết mâu thuẫn cần nắm sát tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, tìm ra khó khăn vướng mắc để hoàn thiện chính sách pháp luật. Hòa giải cũng như thực hiện công tác dân vận, ngoài việc làm cho các mâu thuẫn từ to thành nhỏ, từ nhỏ thành không có gì, góp phần tiết kiệm thời gian của bộ máy và không khí xã hội tốt hơn thì trong quá trình thực hiện hòa giải phải nắm sát tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và những cơ chế, chính sách của Nhà nước, pháp luật.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác hòa giải ở cơ sở tạo đồng thuận trong xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO