Còn nhiều thách thức trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Hồng Thoan| 10/07/2019 09:53

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có nhiều mối nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Thế nhưng, việc phòng ngừa, ngăn chặn loại dịch bệnh này lại gặp khá nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Dịch xâm nhập từ  bên ngoài

Trong các ngày 12 và 15/5/2019, cơ quan chức năng đã phát hiện một số tư thương vận chuyển hàng chục con lợn từ tỉnh khác về địa bàn thị xã Gia Nghĩa để tiêu thụ. Sau khi lấy mẫu gửi xét nghiệm, Chi cục Thú y vùng 5 đã cho kết luận toàn bộ số lợn này đều mắc vi rút DTLCP.

Cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Hữu Triều (Gia Nghĩa) vừa bị xử phạt vi phạm hành chính vì lưu trữ xe vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc

Tiếp đến, chiều 25/6/2019, tại xã Đức Mạnh (Đắk Mil) cơ quan chức năng đã phát hiện ông Nguyễn Sỹ Tịnh (ở Đắk Nông) dùng xe tải vận chuyển có 29 con lợn đều còn sống. Số lợn này được ông Tịnh vận chuyển từ tỉnh Đồng Nai về để cung cấp cho một lò mổ tại xã Đắk Hòa (Đắk Song). Chiều 26/6/2019, cơ quan chức năng công bố kết quả xét nghiệm toàn bộ số lợn trên của ông Tịnh đều mắc DTLCP.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện nay hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn đều đã có chốt kiểm dịch động vật. Thế nhưng, vẫn có một số cho xe chở lợn mang DTLCP lọt qua và xâm nhập vào các địa bàn trong tỉnh. Theo ông Võ Quốc Cường, đại diện Chi cục Thú y vùng 5, Đắk Nông là tỉnh đầu tiên trong vùng Tây Nguyên phát hiện có vi rút bệnh DTLCP trên lợn mà nguyên nhân phần lớn là do bị xâm nhập từ bên ngoài vào.

Còn nhiều khó khăn trong phòng, chống dịch

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, việc kiểm soát hoạt động vận chuyển lợn trong tình hình dịch bệnh lây lan rộng trong cả nước như hiện nay là rất khó khăn.

Ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT) cho biết: Hiện nay không có quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trong tỉnh, nên việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như trường hợp phát hiện xe chở 29 con lợn bệnh ở Đắk Mil chẳng hạn. Khi đó chủ hàng có giấy kiểm dịch của 29 con lợn đàng hoàng. Thế nhưng, cơ quan chức năng lại không có cơ sở để xác định số lợn này liệu có khớp với số lợn đã được kiểm dịch như trong giấy hay không?

ADQuảng cáo

Cũng theo ông Đáp, ngoài "kẽ hở" này, việc phòng, chống DTLCP còn gặp nhiều khó khăn khác. Hiện nay điều kiện cơ sở vật chất của các trạm kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, tại đây chưa có khu vực nuôi nhốt, cách ly, lưu giữ động vật, sản phẩm động vật. Do đó, việc lưu giữ, xử lý khi phát hiện có xe chở lợn bệnh là rất khó khăn. Chẳng hạn như trường hợp bắt giữ xe chở lợn của ông Trần Văn Khang diễn ra vào ngày 23/6/2019 tại Gia Nghĩa. Khi đó, do chưa có khu vực cách ly, lưu giữ nên cơ quan chức năng phải thuê một hộ dân ở tổ 6, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) nuôi hộ 30 con lợn của ông Khang. Điều này là rất phức tạp, mất nhiều kinh phí.

Cán bộ thú y cơ sở tiêu độc khử trùng tuyến đường tránh thị xã Gia Nghĩa

Cùng với đó, ý thức của người dân cũng là một vấn đề gây ảnh hưởng đến hoạt động phòng, chống DTLCP trên địa bàn tỉnh. Nhiều thương lái vì lợi nhuận mà tìm nhiều cách để trốn tránh việc kiểm dịch hoặc vận chuyển lợn bệnh đi theo đường tắt, đường tránh không có chốt kiểm dịch. Một số người dân chăn nuôi lợn khi phát hiện lợn có dịch bệnh nhưng vẫn cố tình bán cho thương lái hoặc tìm cách tuồn vào thị trường...

Hiện nay các huyện, thị xã đều thiếu nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi, thú y. Một số địa phương chưa kiện toàn được hệ thống thú y xã, phường, thị trấn sau khi thành lập Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp. Việc triển khai tháng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các địa phương cũng đang còn chậm so với kế hoạch của tỉnh...

Ngày 20/5/2019, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế DTLCP. Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm để phòng, chống DTLCP. Trong đó, Chỉ thị nêu UBND các tỉnh, thành phố bảo đảm kinh phí và các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế DTLCP, các dịch bệnh động vật nói chung và nhanh chóng kiểm soát lây lan; kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của luật Thú y...

Thống kê đến hết tháng 6/2019, Đắk Nông có đàn lợn khoảng 212.000 con. Toàn tỉnh có 196 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn với quy mô đàn từ 100 con trở lên và có 3.144 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ. Hiện nay, đang bước vào thời kỳ giữa mùa mưa, độ ẩm cao sẽ là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh trên động vật nói chung và lợn nói riêng.

Mặt khác, ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có vắc xin, thuốc chữa DTLCP, nên loại dịch này càng có nguy cơ lây lan cao trên đàn lợn. Do đó, cùng với những khó khăn, bất cập nêu trên, việc phòng, chống DTLCP trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Chính vì vậy, đòi hỏi chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị chức năng và toàn thể Nhân dân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa để cùng nhau ngăn chặn có hiệu quả DTLCP.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều thách thức trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO