Cơ quan chức năng cần quyết liệt kiểm tra, xử lý việc kinh doanh, sử dụng chất tạo màu không rõ nguồn gốc

Khôi Nguyên| 08/07/2016 10:57

Báo Đắk Nông ngày 27/4 đã có bài “Ma trận chất tạo màu thực phẩm không rõ nguồn gốc”. Bài báo cung cấp thông tin nơi buôn bán và một số địa điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng các chất tạo màu không rõ nguồn gốc.

ADQuảng cáo

Sau hơn 2 tháng báo nêu, tình trạng này vẫn chưa được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Bác sĩ Nguyễn Tấn Thành, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (ATVSTP) cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức 4 đợt kiểm tra (trong đó 1 đợt liên ngành, 2 đợt chuyên ngành và 1 đợt phối hợp). Các đợt kiểm tra này đều không phát hiện được cơ sở nào dùng chất tạo màu không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí, nhân lực, phương tiện nên khó tổ chức được nhiều đợt kiểm tra để lấy mẫu đi xét nghiệm.

Những hóa chất không rõ nguồn gốc dùng để chế biến thực phẩm vẫn được bày bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh, nhưng chưa được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý

Ông Thành khẳng định: “Những hóa chất mà Báo Đắk Nông nêu có thể là chất nhuộm được dùng trong công nghiệp, không được dùng để chế biến thực phẩm, chắc chắn là độc hại. Mức độ độc hại như thế nào cần phải đưa mẫu đi xét nghiệm, không thể sờ, nhìn mà phân biệt được bằng mắt thường".

ADQuảng cáo

Nhưng công tác kiểm tra, phát hiện để xử lý không dễ dàng. Ví dụ, một con gà đã nhuộm chất tạo màu và được bày bán ở chợ thì cần ít nhất 2 đơn vị phối hợp với Chi cục ATVSTP để kiểm tra, xử lý đó là ngành công thương và ngành nông nghiệp. Còn nếu kiểm tra tại các quầy hàng, ki ốt tại các chợ thì cần phải có sự tham gia của cơ quan quản lý thị trường.

Đối với chi cục, khi tiến hành kiểm tra tại các nhà hàng, quán nhậu cũng khó phát hiện được họ có sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép hay không. Để phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm, đơn vị cần phải lấy mẫu đi xét nghiệm tại Viện vệ sinh Y tế công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Theo như ông Thành nói thì xem ra người tiêu dùng vẫn phải tự bảo vệ mình là chính. Pháp luật quy định các hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chứa chất độc hại sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Mức phạt này được đánh giá là đủ sức răn đe. Nhưng, tự thân người tiêu dùng thì không thể xử phạt được những người kinh doanh, sử dụng các chất cấm. Ma trận chất tạo màu không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh sẽ vẫn tồn tại nếu cơ quan chức năng thiếu quyết liệt trong kiểm tra, xử lý.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ quan chức năng cần quyết liệt kiểm tra, xử lý việc kinh doanh, sử dụng chất tạo màu không rõ nguồn gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO