Chống sạt lở ở Krông Nô: Cần các giải pháp cụ thể và hỗ trợ người dân

Bình Minh| 09/10/2015 10:33

Nạn “cát tặc” làm nhiều gia đình ở xã Buôn Choáh (Krông Nô) bị mất hết đất sản xuất và lâm vào tình cảnh rất khó khăn. Chính quyền 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang triển khai nhiều giải pháp để lập lại trật tự khai thác cát trên sông Krông Nô.

ADQuảng cáo

NGƯỜI DÂN MẤT ĐẤT RẤT CẦN ĐƯỢC HỖ TRỢ

Gia đình chị Đỗ Thị Thu, ở thôn 1, xã Buôn Choáh (Krông Nô) là hộ có nhiều đất sản xuất nhất nhì của xã. Trước đây, với 5 ha đất trồng ngô lai hai vụ, mỗi năm, gia đình chị có thu nhập gần 600 triệu đồng. Bây giờ thì toàn bộ diện tích này đã bị “cát tặc” “nuốt hết”, thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng. Không còn đất sản xuất, hàng ngày vợ chồng chị phải đi làm thuê để trang trải cho bốn miệng ăn trong gia đình.

Chị Thu nói trong nước mắt: “Lúc đầu, bọn “cát tặc” cho người hỏi mua nhưng gia đình tôi không bán vì bán rồi lấy gì mà sống. Hai năm nay, tôi và chồng tôi ngày đêm thay phiên nhau trông giữ đất. Thế nhưng, bọn “cát tặc” ngày càng ngang nhiên, liều lĩnh bất chấp có sự hiện diện của người dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ diện tích 5 ha của gia đình tôi đã chìm sâu dưới dòng nước sông Krông Nô”. 

Cùng cảnh ngộ như gia đình chị Thu, gia đình anh Luân Văn Tứ, ở thôn 3, xã Buôn Choáh mặc dù rất kiên trì giữ đất nhưng vẫn không ngăn được nạn “cát tặc”. Chỉ trong vòng bốn tháng gần đây, hàng chục xà lan đua nhau hút cát khiến hơn 1,5 ha đất sản xuất của gia đình anh bị sạt lở xuống sông. Hiện tại, cả bốn người trong gia đình chỉ sống nhờ vào tiền công đi làm thuê hàng ngày. “Cứ với tình trạng này một thời gian nữa, gia đình tôi không biết lấy gì mà sống” anh Tứ cho biết.

Theo UBND xã Buôn Choáh thì hiện chưa có thống kê về số hộ bị mất đất sản xuất hoàn toàn nhưng trên thực tế thì rất nhiều. Các hộ dân bị mất đất hiện nay rất mong muốn chính quyền địa phương có hướng hỗ trợ về đất sản xuất hoặc đào tạo nghề để người dân có kế sinh nhai.

Tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở nhiều diện tích đất sản xuất của người dân thôn 1, xã Buôn Choáh (Krông Nô)

Theo ông Dương Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh thì đến nay, toàn xã có khoảng 84 hộ bị mất đất, với diện tích gần 60 ha. Trong đó, hộ ít nhất là 0,37 ha và hộ nhiều nhất 5,5 ha. Nhiều hộ mất toàn bộ đất sản xuất phải đi làm thuê hoặc bỏ địa phương đi làm ăn ở các tỉnh khác. Ông Lực cho biết thêm: “Xã đang tiến hành thống kê số hộ dân bị mất đất hoàn toàn để gửi UBND huyện xem xét sớm có hướng hỗ trợ cho bà con. Vì giờ họ mất hết đất sản xuất phải đi làm thuê, làm mướn sống qua ngày nên kinh tế gia đình hết sức khó khăn”.

ADQuảng cáo

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết: “Việc nghiên cứu bố trí đất cho các hộ bị mất đất ngay trên địa bàn xã Buôn Choáh thì rất khó, vì quỹ đất đã hết. Nếu người dân có nguyện vọng làm đơn xin bố trí đất sản xuất, huyện chỉ còn cách triển khai lồng ghép các dự án ổn định dân cư phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhưng việc này phải chờ, chứ bố trí trong thời gian ngắn là khó có thể thực hiện được. Về hướng đào tạo nghề, huyện cũng đã tính tới nhưng đang chờ báo cáo, cũng như đề xuất của xã”.

HY VỌNG XỬ LÝ “CÁT TẶC” TỪ CÁC GIẢI PHÁP CỤ THỂ

Để chấn chỉnh và lập lại trật tự khai thác cát trên sông Krông Nô, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk đã thống nhất cùng nhau phối hợp triển khai các giải pháp cụ thể.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh chủ động phối hợp xây dựng quy chế phối hợp quản lý khai thác cát trên sông Krông Nô trình UBND tỉnh thông qua và ký kết trong tháng 10/2015. UBND hai tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân có đất tại khu vực dọc bờ sông Krông Nô không bán đất cho tổ chức, cá nhân làm bến cát; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp mua bán đất trái pháp luật.

Các ngành, địa phương cũng tăng cường công tác quản lý tàu, thuyền theo quy định, cụ thể là cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền, đăng ký lô gô, cấp bằng lái, đăng kiểm tàu thuyền một cách chặt chẽ, nghiêm túc. Việc thành lập bến cát phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép; tổ chức gắn biển cấm khai thác cát tại các khu vực và tổ chức tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức.

Ngoài ra, các ngành, địa phương tập trung rà soát, kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân đang khai thác cát trên sông Krông Nô về giấy phép, năng lực tài chính, nguồn lực, cơ sở vật chất để đảm bảo hoạt động có hiệu quả, đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Công an hai tỉnh tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh cơ chế xử phạt các trường hợp vi phạm trong quá trình khai thác cát trên sông Krông Nô, thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, chính quyền địa phương và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Có thể nói, việc chấn chỉnh và lập lại trật tự khai thác cát ở Krông Nô sẽ được triển khai quyết liệt trong thời gian tới đây. Với sự vào cuộc quyết liệt các các cấp, các ngành chức năng của 2 tỉnh, nhiều diện tích đất sản xuất của người dân hai bên bờ sông Krông Nô sẽ được bảo vệ, tránh sạt lở lớn như hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống sạt lở ở Krông Nô: Cần các giải pháp cụ thể và hỗ trợ người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO