Cảnh giác với tin giả, tin đồn thất thiệt trên không gian mạng

Hoàng Thanh| 23/11/2020 08:43

Ngày nay, công nghệ thông tin có sự phát triển vượt bậc, mạng internet phủ sóng toàn cầu, thu hẹp không gian, thời gian. Tuy nhiên, internet cũng là môi trường để tin giả, tin đồn thất thiệt phát tán, lan tỏa, ảnh hưởng đến cá nhân, cơ quan, tổ chức và mỗi quốc gia.

ADQuảng cáo

Muôn kiểu tin giả

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có khoảng 65 triệu người sử dụng mạng xã hội (MXH), chiếm trên 60% dân số và chủ yếu sử là Facebook, Youtube, Zalo… Trung bình mỗi ngày, người Việt Nam sử dụng internet hơn 5 giờ (đối với người dùng máy tính) và gần 3 giờ (đối với người dùng điện thoại thông minh). Trong đó, thời gian sử dụng MXH là hơn 3 giờ/ngày, một quỹ thời gian lớn so với nhiều quốc gia khác.

Một đối tượng tung tin đồn thất thiệt bị Công an tỉnh xử lý, răn đe

Rõ ràng, MXH đang chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần và kinh doanh sản xuất của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mà MXH mạng lại, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức không nhỏ từ không gian mạng, thậm chí đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Cụ thể như những ảnh hưởng tiêu cực từ các thông tin giả, thất thiệt, xấu, độc hại và sai sự thật.

Tại Việt Nam, trong khoảng 3 năm  trở lại đây đã có hàng loạt tin giả được tung lên không gian mạng, gây xôn xao dư luận. Tại tỉnh Đắk Nông, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý hàng chục chủ tài khoản faceboook đăng tin giả, tin đồn thất thiệt gây xôn xao dư luận.

Đơn cử, tài khoản Facebook cá nhân mang tên "Nguyễn Bình (Thực Dưỡng Minh Tịnh)" đăng tải một số nội dung như: "Đeo khẩu trang nhìn như bị rọ mõm. Để hạn chế bắn nước bọt vào người khác vẫn phải đeo khẩu trang chứ chẳng ngăn được tý co vi nào". Chủ tài khoản facebook T.T.H. đăng tải thông tin: "Cảnh báo Gia Nghĩa mình khi mua thịt lợn nha. Người quen làm bên kiểm dịch mới bắt ổ dịch ở Đắk Mil hơn 800 con chôn rồi mà bọn gian thương đào lên mổ xẻ để bán đấy…".

Nghiêm trọng hơn, tin giả đã trở thành một công cụ để các cá nhân bất mãn và thế lực thù địch sử dụng nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Cụ thể, Văn phòng Quốc hội đã có thông báo về sự xuất hiện của 19 trang thông tin điện tử đi kèm với 36 tên miền quốc tế mạo danh Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội. 36 tên miền này đều được đăng ký tại nước ngoài và sử dụng dịch vụ ẩn giấu thông tin chủ thể…

Tương tự, trên MXH, các trang mạo danh liên quan đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ xuất hiện khá nhiều. Chúng sử dụng nhiều hình thức khác nhau để lấy lòng tin của người dân rồi tiến hành tung thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận.

ADQuảng cáo

Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội

Hiện nay vấn nạn tin giả, tin thất thiệt trên không gian mạng đang gây nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp tới khách thể - nạn nhân của những tin tức giả cũng như cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Tin giả được lan truyền trên các trang MXH hiện nay đa phần mang tính cá nhân, phạm vi thông tin, dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, lừa đảo, nhằm lôi kéo sự chú ý người đọc.

Với các tài khoản Facebook tung tin sai lệch đã bị xử lý trên, điểm chung của họ là đăng với mục đích câu view ảo để bán hàng online và khi đăng tải không kiểm chứng lại thông tin. Việc đăng tải các thông tin sai lệch trên MXH dù là nhằm mục đích câu like, câu view ảo nhưng tác động của nó tới xã hội lại hoàn toàn có thật. Và trên thực tế, các cơ quan chức năng đã không ít lần tiến hành xử phạt các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên MXH.

Thời gian qua, Bộ Thông tin - Truyền thông đã yêu cầu Google  ngăn chặn, gỡ bỏ 4.466 video, clip xấu độc trên trang Youtube. Từ đầu năm 2018, Google đã đồng ý cơ chế hạ nguyên kênh có nội dung vi phạm thay vì hạ từng clip như trước đây và đã hạ 6 kênh. Facebook cũng gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Để tăng cường ngăn chặn nạn tin giả, tin thất thiệt, ngày 3/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, có mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên MXH từ 10 đến 20 triệu đồng. Trên thực tế, gần đây đã có 170 cá nhân tung tin sai lệch về dịch Covid-19 đã bị các cơ quan chức năng xử lý.

Để tiếp tục phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả thông tin giả, tin đồn thất thiệt trên MXH rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và chung tay của toàn xã hội. Trong đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, làm cho người dân, cộng đồng nhận rõ thông tin giả, tin đồn thất thiệt và tính chất nguy hại của nó. Các biện pháp phòng chống cần đồng bộ, kiên trì, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm trong quá trình đấu tranh để vạch rõ các chiêu trò đưa ra thông tin giả, tin đồn thất thiệt.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí chính thống phát huy vai trò trong việc kịp thời đấu tranh, phê phán, phản bác mạnh mẽ những bài viết có nội dung thông tin giả, tin đồn thất thiệt, thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc sự thật, nhất là trên không gian mạng.

Trong quá trình sử dụng MXH, mỗi người dân nên chọn những trang thông tin chính thống, tin cậy, uy tín và phải biết đặt ra nghi vấn đối với các thông tin nhận được, không tò mò bấm xem các tin, bài giật tít câu view, chủ động kiểm chứng thông tin nhận được từ các nguồn không tin tưởng, không chia sẻ khi chưa kiểm chứng thông tin...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với tin giả, tin đồn thất thiệt trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO