Cảnh giác với những “chiêu trò” mạo danh để lừa đảo

Hiền Ny| 17/10/2017 10:10

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của người dân, một số đối tượng đã mạo danh là nhà báo, người đại diện cho các cơ quan, đơn vị, con cháu lãnh đạo nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để trục lợi.

ADQuảng cáo

Giả danh nhà báo để làm càn

Vốn chỉ làm nông thuần túy nhưng Đậu Ngọc Dương, trú tại thôn Bình Thuận, xã Đức Minh (Đắk Mil) tự nhận mình là “nhà báo” để tống tiền người dân. Đầu năm 2016, Dương cùng một đối tượng khác thường xuyên lân la, tìm đến các xưởng gỗ, sản xuất đồ mộc trên địa bàn các xã Đức Minh, Đức Mạnh, Đắk Sắk (Đắk Mil), Đắk Môl, Đắk Hòa (Đắk Song) để quay phim, chụp ảnh.

Sau đó, Dương  gọi điện thoại, gặp gỡ chủ các xưởng gỗ trên đưa danh thiếp giới thiệu mình là cán bộ thông tin và tuyên truyền của Báo Bảo vệ pháp luật (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) hoặc giấy giới thiệu làm việc tại một cơ quan báo chí ở Hà Nội.

Dương hù dọa các chủ xưởng phải đưa cho anh ta 10 triệu đồng, nếu không sẽ báo cho lực lượng kiểm lâm biết để kiểm tra, tịch thu gỗ. Với cách làm này, nhiều chủ xưởng gỗ do thiếu hiểu biết, ngại va chạm, không muốn phiền hà đã đưa tiền cho Dương để “yên chuyện”. Nhưng có ngờ đâu, Dương chỉ là “nhà báo dỏm” và họ đã bị lừa tiền chỉ vì “yếu bóng vía”.

Mượn “oai” cơ quan báo chí

Không chỉ mạo danh nhà báo để tống tiền, một số kẻ còn “mượn uy” cơ quan báo chí hòng trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng để chở gỗ lậu. Tháng 4/2016, tài xế Huỳnh Tấn Thông (SN 1987), trú tại huyện Đắk Đoa (Gia Lai) điều khiển xe tải mang BKS 81C-08726 đi từ tỉnh Gia Lai về TP. Hồ Chí Minh. Điều đáng nói, Thông chở trên xe 8,018 m3 gỗ căm xe thuộc nhóm II mà không hề có giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ là hợp pháp.

ADQuảng cáo

Để “qua mặt” cơ quan chức năng, Thông gắn trước đầu xe mình dòng chữ “Tạp chí dạy và học ngày nay, cơ quan ngôn luận Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam”. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm và lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông khi đang tiến hành tuần tra, kiểm soát trên tuyến quốc lộ 14, đoạn qua địa phận xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) đã tiến hành tịch thu tang vật, tạm giữ phương tiện của Thông để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Mạo danh cháu “sếp” để chiếm đoạt tài sản

Nguyễn Thị Phấn (SN 1991), trú tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) vốn là một gia sư tự do tại tỉnh Đắk Nông. Tháng 6/2016, Phấn làm quen với chị Trần Thị Kim Huệ, trú tại huyện Đắk R’lấp. Qua nói chuyện, Phấn biết chị Huệ ra trường đã lâu, nhưng chưa xin được việc làm, nên nảy sinh ý định lừa đảo. Phấn tự xưng mình là Lê Minh Vy, giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng (Đắk R’lấp) và là cháu ruột của phó giám đốc của một sở ở tỉnh Đắk Nông.

Với cái danh tự xưng trên, Phấn hứa sẽ lo xin việc cho Huệ. Theo đó, Phấn giả vờ gọi điện thoại cho chú ruột, nhờ chú xin việc giúp cho Huệ. Sau đó, Phấn nói lại với Huệ là chú mình đã đồng ý và đề nghị Huệ đưa 25 triệu đồng cho mình lo chuyện, sau khi có việc thì đưa thêm 200 triệu đồng nữa.

Tin vào khả năng xin việc của Phấn, Huệ còn giới thiệu chị Bùi Thị Thu Trang (SN 1984), trú tại huyện Ba Tri (Bến Tre) để Phấn xin chuyển việc từ tỉnh Bến Tre về tỉnh Đắk Nông làm. Phấn nhận xin việc cho chị Trang vào làm giáo viên tại Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) với giá 200 triệu đồng. Sau khi nhận tiền của các chị Trang và Huệ, Phấn đem tiêu xài, mua sắm cá nhân, chứ không hề dùng để xin việc cho ai cả.

Ngày 1/8/2017, khi đang trên đường trốn chạy, Phấn đã bị lực lượng chức năng bắt giữ tại tỉnh Bình Định và di lý về Công an huyện Đắk R’lấp để tiếp tục xử lý.

Có thể thấy, không ít những vụ lừa đảo tương tự đã xảy ra và còn có thể tái diễn. Trước tình trạng trên, người dân cần đề cao cảnh giác với những “chiêu trò” lừa gạt hết sức tinh vi nói trên để tránh sa vào cạm bẫy, "tiền mất tật mang".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với những “chiêu trò” mạo danh để lừa đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO