Cảnh giác và cộng đồng trách nhiệm để đấu tranh với tội phạm mua bán người

Minh Quỳnh - Phương Thanh| 13/10/2014 14:16

Thời gian gần đây, tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp.

ADQuảng cáo

Theo số liệu thống kê của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh, từ đầu năm 2014 đến nay, địa bàn tỉnh có trên 40 phụ nữ vắng mặt không lý do, trong đó có 8 trường hợp đã xác định bị bán sang Trung Quốc, còn lại có nhiều khả năng bị bán hoặc dụ dỗ sang lấy chồng Trung Quốc.

Địa bàn chủ yếu là các xã Đắk Ngo (Tuy Đức); xã Đắk Som, Đắk R’măng, Quảng Sơn (Đắk Glong) và huyện Đắk Mil. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ dân tộc Mông, Êđê có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức hạn chế, trong độ tuổi từ 17 đến 30, có phụ nữ đã có gia đình 4, 5 con, có trường hợp 50 tuổi.

Lực lượng công an tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân về thủ đoạn của bọn buôn người. Ảnh: Phương Thanh

Thượng tá Bùi Văn Khẩu, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh cho biết, thông qua việc triệt phá các đường dây mua bán người trong thời gian qua cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng không có gì mới nhưng đã đánh đúng vào tâm lý của một số cô gái nhẹ dạ cả tin.

Đó là lợi dụng sự khó khăn về việc làm cũng như sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dân, nhất là các cô gái trẻ đã tới rủ rê đi ra các tỉnh phía Bắc bán hàng lương cao, hoặc giả vờ tán tỉnh yêu đương rồi rủ nạn nhân đi du lịch. Sau đó chúng đưa các nạn nhân thẳng qua biên giới bán cho các đối tượng bên kia biên giới làm gái mại dâm.

ADQuảng cáo

Khó khăn lớn nhất đối với việc phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây buôn bán người là do địa bàn tỉnh rộng lại cách trở, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn thấp nên dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt.

Các thông tin về các nạn nhân phục vụ cho quá trình điều tra, giải cứu nạn nhân cũng hết sức khó khăn. Mối quan hệ với các nước mà các nạn nhân bị lừa bán sang đó, có những nước ta đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp thì có thuận lợi trong công tác đấu tranh, giải cứu các nạn nhân nhưng cũng có một số nước ta chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp thì công tác đấu tranh, giải cứu nạn nhân cũng hết sức khó khăn.

Cũng theo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong đấu tranh, làm rõ các vụ việc… nhưng từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng mới chỉ triệt phá được 5 vụ, khởi tố bắt tạm giam 9 bị can… Trong đó có vụ xảy ra từ tháng 6/2010, đối với nạn nhân Tráng Thị P (SN 1975) trú tại thôn 11, xã Quảng Hòa, bị Lý Xuân Thanh trú tại Đắk R’măng và Lý A Dê trú tại xã Đắk Som (Đắk Glong) lừa bán sang Trung Quốc, nay mới làm rõ được.

Để đấu tranh ngăn chặn với loại tội phạm này, bên cạnh việc lực lượng công an triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, triệt phá các đường dây mua bán người, đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các ban ngành, đoàn thể, hội phụ nữ, đoàn thanh niên trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm mua bán người.

Bên cạnh đó, mỗi người dân, nhất là những chị em phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa cần nêu cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa bịp của các đối tượng rủ rê đi làm ăn có thu nhập cao, tán tỉnh yêu đương, giả vờ lấy vợ lấy chồng. Nếu phát hiện thấy các đối tượng có biểu hiện nghi vấn cần báo ngay cho chính quyền địa phương, lực lượng công an các cấp hoặc báo cho Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Đắk Nông qua số điện thoại 05013.545822 để phối hợp làm rõ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác và cộng đồng trách nhiệm để đấu tranh với tội phạm mua bán người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO