Cẩn trọng khi mua bán qua mạng

Linh Thư| 23/06/2018 07:41

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, việc mua, bán hàng qua mạng không còn quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, không phải bất cứ sản phẩm nào mua trên mạng cũng đạt chất lượng, “ngon, bổ, rẻ” như lời quảng cáo. Nếu không cẩn trọng, người mua sẽ dễ dàng bị lừa hoặc nhận được hàng không như mong đợi, còn người bán đôi khi cũng gặp những rủi ro không đáng có.

ADQuảng cáo

“Treo đầu dê, bán thịt chó”

Hoạt động mua, bán trên mạng từ lâu đã trở thành xu hướng của người dân bởi sự thuận tiện mà nó mang lại. Kinh doanh trên mạng không mất nhiều thời gian đi chào hàng, giao hàng, không mất tiền mặt bằng, chỉ cần ngồi tại nhà thôi cũng có thể điều hành việc buôn bán một cách dễ dàng. Do đó, nhiều đơn vị kinh doanh, cá nhân đẩy mạnh bán hàng trên mạng phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người mua lại rất dễ dàng tiếp cận, ở bất cứ đâu, chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh là đã có thể xem, đặt mua hàng một cách dễ dàng, bất kể ngày đêm.

Hàng hóa trên các trang mạng cũng rất phong phú, với đầy đủ các thể loại: Thời trang, đồ gia dụng, dịch vụ, du lịch, đồ chơi trẻ em… Giá cả cũng phong phú không kém, phù hợp túi tiền của phần lớn người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu mua sắm không quen, nhiều người thay vì hớn hở mua được hàng giá rẻ thì lại bị lừa theo nhiều cách khác nhau.

Nhiều bài đăng cảnh báo người mua về những trang cá nhân mua, bán hàng không uy tín trên facebook

Chị Nguyễn Ngọc Vân, ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) là một “tín đồ” của các trang bán hàng trên mạng. Mỗi ngày, tranh thủ thời gian rảnh, chị Vân đều lướt qua các trang bán hàng trực tuyến cũng như trên facebook để săn lùng các mặt hàng giảm giá, khuyến mãi. Mua hàng trên mạng nhiều, chị Vân cũng không tránh khỏi những lần bị “hớ”, thậm chí là lừa tiền do không kiểm tra thông tin kỹ càng trước khi mua.

Có lần, thấy trên mạng rao bán bộ váy tặng kèm áo khá đẹp mắt với giá chỉ 250.000 đồng, chị Vân đã đặt mua một bộ. Nhận được hàng sau 2 ngày đặt mua, khi mở hàng ra kiểm tra, chị Vân tá hỏa thấy bên trong chỉ là chiếc áo cũ sờn, lỗi dáng hầu như không thể mặc được. Vào tài khoản facebook của người bán thì thấy đã đóng, gọi điện thoại thì không liên lạc được, chị Vân mới biết mình đã bị lừa.

Rút kinh nghiệm từ lần mua phải hàng dỏm, chị Vân cho biết: “Để bảo đảm không bị mất tiền oan, tôi đã cẩn trọng hơn trong việc xem xét những trang bán hàng trên mạng. Cụ thể, tôi chỉ vào đặt mua những trang uy tín đã có lâu đời trên mạng và những tài khoản facebook nào hoạt động lâu, nhiều lượt đánh giá tốt từ người mua. Khi giao dịch đặt mua hàng, tôi đề nghị họ ghi rõ bên ngoài bao bì là “Khách hàng được phép xem hàng” để bảo đảm nếu hàng không đạt chất lượng như cam kết thì có thể không trả tiền mà trả lại hàng cho người bán. Nhờ cách làm này, tôi đã giảm thiểu được tình trạng bị lừa mua phải hàng kém chất lượng, hàng không đúng số lượng, kiểu dáng so với quảng cáo.

ADQuảng cáo

Người bán cũng nhận “trái đắng”

Xưa nay, tâm lý chung, người mua thường là những người bị thua thiệt nhưng cũng không ít người bán hàng trên mạng cũng bị khách hàng bỏ “bom”, lừa tiền theo nhiều cách khác nhau.

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi bán hàng trên mạng kiếm thêm thu nhập, bạn Lê Thị Trang, ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã không ít lần gặp những phiền phức do các “thượng đế” mang lại. Để bảo đảm độ tin cậy cho người mua khi đặt hàng, Trang thường bán hàng theo hình thức khi nhận hàng mới phải trả tiền hàng và tiền cước. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khách hàng khi lướt mạng cao hứng đặt mua hàng nhưng sau lại thay đổi ý định, không chịu nhận hàng nữa, gọi điện thoại thì không liên lạc được, nhân viên bưu điện không thể giao hàng khiến Trang không ít lần bị mất tiền phí vận chuyển một cách oan ức.

Mất tiền vận chuyển chỉ là việc nhỏ, nhiều người bán hàng còn nhận những cú lừa mất cả tiền hàng với số tiền không nhỏ. Anh Đặng Xuân Đoài, ở xã Nam Dong (Chư Jút) có mở một xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nhỏ tại nhà. Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng, anh thường đăng bán các sản phẩm của mình trên mạng. Nhờ mạng xã hội, anh Đoài đã bán được nhiều hàng hơn với nhiều khách hàng khác nhau trên cả nước.

Tuy nhiên, cũng không ít lần anh Đoài nhận phải “trái đắng” khi bán hàng trên mạng. Do tính chất đặc thù của mặt hàng, anh Đoài thường chỉ yêu cầu khách hàng đặt cọc trước, khi giao hàng mới thu nốt số tiền còn lại. Nhưng do giá trị món hàng cũng lớn, thường là tiền triệu nên nhiều khi cả nể, anh cũng cho nợ tiền với những khách quen.

Theo anh Đoài, những đối tượng lừa đảo thường đặt hàng nhỏ lẻ, nhiều đợt, những lần đầu trả tiền rất sòng phẳng nhằm tạo được niềm tin cho người bán. Khi đã thân quen, đối tượng đặt 1 số lượng mặt hàng lớn và trình bày lý do kẹt tiền sẽ thanh toán trễ vài ngày sau khi nhận được hàng. Vì đã giao dịch vài lần, cũng như cả nể, sợ mất mối hàng thân thuộc, anh đồng ý nhưng sau khi nhận được hàng, anh không thể nào liên lạc, đòi được tiền hàng nữa. Anh Đoài cho biết: “Tôi đã bị lừa đến cả chục triệu đồng tiền hàng mà không biết sao thu hồi được, do tất cả chỉ là giao dịch trên mạng, không biết hình dáng, địa chỉ chính xác của người mua”.

Không thể phủ nhận những lợi ích do việc mua, bán hàng trên mạng đem lại, nhưng thực tế nhiều người cũng lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt hàng hóa, tiền bạc, giao hàng không đúng chất lượng, cam kết… Vì vậy, khi tiến hành mua bán hàng hóa qua mạng, cả người bán lẫn người mua cần đề cao cảnh giác, cẩn thận để tránh mất tiền oan.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng khi mua bán qua mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO