Cần sớm sắp xếp, ổn định dân di cư tự do tại Đắk Glong

Lê Phước| 19/10/2017 09:54

Từ khi thành lập (năm 2005) tới nay, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã có hàng ngàn hộ dân di cư tự do (DCTD) vào địa bàn với hàng chục ngàn nhân khẩu. Điều này không chỉ gây áp lực lên tài nguyên mà còn phá vỡ quy hoạch về đất đai, dân cư... của huyện. Nếu không được ổn định sớm, dân DCTD sẽ trở thành gánh nặng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

ADQuảng cáo

Nhà cửa và nhiều loại cây trồng ngắn ngày của người dân ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong) mọc lên trên diện tích rừng trước đây

“Áp lực” không ngừng tăng

Theo thống kê của UBND huyện Đắk Glong, từ năm 2005 tới nay, có gần 3.700 hộ dân với hơn 17.000 nhân khẩu đã DCTD đến địa phương. Dân DCTD đến huyện đa dạng về thành phần dân tộc nhưng chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) phía Bắc, trong đó nhiều nhất là người Mông (hơn 2.100 hộ với hơn 12.000 khẩu).

Dân DCTD đến cả 7/7 xã của huyện Đắk Glong. Các hộ DCTD thường sống theo các nhóm hộ, tập trung theo dòng họ, cùng dân tộc, tôn giáo đến định cư tại các vùng riêng lẻ trong rừng, trong các thung lũng, dọc các khe suối… Mỗi điểm dân DCTD có từ 10 - 30 hộ, có điểm 80 - 90 hộ, nhà ở thường gắn liền với đất sản xuất, đường giao thông đi lại khó khăn, ít giao lưu với bên ngoài. Nhiều nơi thiếu cơ sở hạ tầng, điều kiện sống và sản xuất của người dân còn khó khăn, không có điều kiện khám chữa bệnh, con em không được đến trường, tỉ lệ thất học, mù chữ cao...

Diện tích rừng mới bị phá ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) để sản xuất nông nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, vì di cư ngoài kế hoạch quản lý nên để có đất ở và sản xuất, cộng đồng dân DCTD đã khai hoang, chặt phá rừng để lấy đất sản xuất. Hầu hết diện tích canh tác của mỗi hộ gia đình từ 1,5 - 3 ha nhưng cây trồng chủ lực là mì nên thu nhập không cao, đời sống kinh tế bấp bênh, không bền vững, thu nhập bình quân chỉ đạt 4 - 6 triệu đồng/người/năm. Việc người dân chặt phá rừng và lấn chiếm đất rừng, săn bắn trái phép làm cho diện tích rừng tự nhiên nhanh chóng thu hẹp và tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất của đại đa số đồng bào DCTD trên địa bàn là sản xuất nông nghiệp, trình độ canh tác lạc hậu, các biện pháp khoa học kỹ thuật chưa được áp dụng nhiều trong sản xuất. Do sống biệt lập, kết cấu hạ tầng nông thôn yếu và thiếu, nhất là đường giao thông nên sản xuất chưa phát triển, chủ yếu còn dưới hình thức tự cung, tự cấp. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân DCTD rất cao, trong đó tập trung vào vùng đồng bào DTTS (chiếm 68% tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện). Hơn nữa, tại nơi dân DCTD sống còn xảy ra các tệ nạn xã hội như: mê tín dị đoan, cờ bạc, nghiện hút…

Việc mua bán, sang nhượng, tranh chấp đất đai diễn biến phức tạp. Những nguyên nhân đó đã tạo điều kiện cho một số phần tử xấu lợi dụng dân tộc, tôn giáo, lôi kéo, kích động gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị, xã hội của địa phương. Trong đó tại một số khu vực nổi cộm đó là 14 cụm dân cư thuộc xã Đắk R’măng; thôn 11, thôn 12, xã Quảng Hòa và bon Đắk Snao, xã Quảng Sơn...

ADQuảng cáo

Giảm gần 31.400 ha rừng tự nhiên sau gần 10 năm

Theo thống kê của UBND huyện Đắk Glong, từ năm 2008 - 2016, toàn huyện mất gần 31.400 ha rừng tự nhiên, giảm 20,1% độ che phủ rừng (từ 69,9% xuống 49,8%). Cũng trong thời gian này, 10 đơn vị chủ rừng được UBND tỉnh giao, cho thuê với diện tích gần 78.000 ha rừng và đất rừng đã làm mất gần 8.000 ha rừng; 15 doanh nghiệp được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư với diện tích hơn 19.000 ha rừng đã làm mất hơn 8.500 ha rừng. Một số đơn vị thực hiện dự án đã thường xuyên xảy ra tình trạng tranh chấp đất với người dân, tạo thành các “điểm nóng” như: HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Hợp Tiến, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Đỉnh Nghệ, Xí nghiệp Nông lâm nghiệp Đắk Nông - Tập đoàn Tân Mai…

Phương án ổn định tại chỗ

Trong giai đoạn 2005 - 2010, huyện Đắk Glong triển khai thực hiện 2 dự án ổn định dân DCTD gồm: Dự án phát triển sản xuất, ổn định đời sống và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân DCTD huyện Đắk Glong và Dự án quy hoạch ổn định dân DCTD khu vực Trảng Ba, xã Đắk Ha. Hai dự án này đã ổn định đời sống sản xuất cho 2.264 hộ dân là đồng bào các dân tộc: Mông, Tày, Nùng, Dao… với khoảng 11.500 nhân khẩu.

Với việc bố trí, sắp xếp, ổn định cho số hộ dân DCTD đã góp phần ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân DCTD trên địa bàn. Người dân được bố trí đất ở, đất sản xuất đã có điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đã và đang khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có, bảo đảm tiêu chí nông thôn mới văn minh, tiến bộ, xóa đói giảm nghèo bền vững và giữ gìn an ninh trật tự xã hội, bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường sinh thái.

Một vụ tranh chấp đất rừng giữa nhiều hộ dân DCTD với công ty lâm nghiệp trên địa bàn xã Quảng Sơn (Đắk Glong)

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 1.263 hộ dân DCTD đến sinh sống tại huyện Đắk Glong giai đoạn 2005 - 2010 chưa được sắp xếp, ổn định. Huyện Đắk Glong đã lập dự án quy hoạch ổn định các hộ DCTD này theo 2 hình thức: tập trung (104 hộ) và ổn định tại chỗ (1.159 hộ). Dự án này được phê duyệt với tổng kinh phí gần 118 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2016. Nhưng đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa thể triển khai do chưa được bố trí vốn.

Cũng theo ông Hợp thì việc dự án kéo dài đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho địa phương trong quản lý các hộ dân DCTD chưa được ổn định. Nhiều năm nay, các hộ này vẫn tiếp tục sinh sống, sản xuất trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn và tiếp tục gây áp lực lên tài nguyên rừng. Phần lớn các hộ dân chưa được đưa vào vùng dự án đang xâm chiếm rừng, đất rừng đã được UBND tỉnh giao cho các công ty, doanh nghiệp và các đơn vị khác quản lý, bảo vệ. Vì vậy, việc sắp xếp, ổn định các hộ dân DCTD là vấn đề bức thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm quyền lợi của người dân cũng như “gỡ khó” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm sắp xếp, ổn định dân di cư tự do tại Đắk Glong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO