Cần giải pháp tổng thể chống sạt lở, sụt giảm mực nước sông Krông Nô

Hồng Thoan| 20/06/2019 09:48

Tình trạng sạt lở, sụt lún, sụt giảm mực nước sông Krông Nô đoạn qua huyện Krông Nô đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc tìm giải pháp khắc phục tình trạng này thì vẫn chưa rõ ràng.

ADQuảng cáo

Báo động mực nước sụt giảm

Là người trực tiếp quản lý, vận hành công trình trạm bơm số 4, xã Nâm N’đir nhiều năm nay, anh Vũ Hoàng Phúc nắm rõ tình trạng mực nước sông Krông Nô sụt giảm như thế nào. Anh Phúc cho biết: Khoảng 3 năm lại đây, năm nào mực nước sông cũng sụt giảm khoảng 1m, nhất là vào mùa khô. Chính vì thế, hàng năm đơn vị đều phải nạo vét bể hút, nối ống hút khoảng 3-5 m, thậm chí là 10 m thì miệng ống bơm mới có thể “chạm nước” để công trình hoạt động. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng vào đầu vụ đông xuân 2018- 2019, riêng cánh đồng Nâm N’đir có khoảng  60 ha lúa, hoa màu bị hạn.

Đầu tư khoảng 5 tỷ đồng, nhưng khi nước sông sụt giảm khiến trạm bơm số 5, xã Nâm N'đir bỏ hoang

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Nông, những năm gần đây, số liệu đo đạc của đơn vị tại Trạm thủy văn Đức Xuyên (xã Đức Xuyên) cho thấy, mực nước sông Krông Nô đang giảm mạnh và thấp hơn so với mức trung bình nhiều năm, nhất là vào mùa khô.

Tính từ tháng 11/2018 đến tháng 4/2019, mực nước sông Krông Nô dao động theo điều tiết của các hồ thủy điện với biên độ từ 1,15 - 3,50 m. So với mực nước trung bình nhiều năm cùng thời kỳ thì thấp hơn từ 0,05 – 0,40 m. Cùng thời gian này, dòng chảy trung bình các tháng ở mức xấp xỉ đến thấp hơn từ 5 – 65% so với trung bình nhiều năm.

Trạm bơm buôn Choi, xã Đức Xuyên năm 2019 phải thay thế bơm, nối dài ống hút

Nhiều diện tích đất bị cuốn trôi

Huyện Krông Nô có khoảng 19.000 ha đất nông nghiệp. Riêng sản lượng hàng năm của cây lúa và ngô đã đạt khoảng 123.000 tấn. Được xem là vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa trọng điểm của tỉnh, nhưng nhiều diện tích đất nông nghiệp màu mỡ nơi đây đang bị cuốn trôi theo dòng nước.

Anh Bàn Văn Phan, thôn Quảng Hà, xã Nâm N’đir có đất canh tác dọc dòng sông Krông Nô hàng chục năm qua. Hơn ai hết anh hiểu được sức mạnh nghê gớm của sự sạt lở bờ sông. Anh Phan cho biết: Gia đình có hơn 3 sào đất dọc sông,  ban đầu chỉ một ít nhưng 2 năm nay sạt rất mạnh và chỉ còn khoảng 500 m2 đất. Theo ông Y Phư, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’đir thì địa phương có khoảng 64 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông, với khoảng 30 ha đất bị mất.

Thống kê của các cơ quan chuyên môn, đến nay, dọc sông Krông Nô đã có 19 điểm sạt lở xung yếu với tổng chiều dài hơn 9,7 km. Các đoạn sông bị sạt lở kéo dài trên địa bàn các xã Quảng Phú, Đắk Nang, Đức Xuyên và xã Nâm N’đir. Các điểm sạt lở có bề rộng từ 5 - 30 m, chiều sâu khoảng 5-10 m.

ADQuảng cáo

Diện tích đất còn lại của gia đình anh Bàn Văn Phan, xã Nâm N'dir đang dần trôi xuống dòng sông

Cần tìm giải pháp tổng thể

Nói về nguyên nhân sạt lở và sụt giảm nguồn nước sông Krông Nô, ông Đỗ Tuấn Cường, nhân viên Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông, nguyên Giám đốc Chi nhánh Krông Nô cho biết: “Theo quan điểm cá nhân, khai thác cát trên sông Krông Nô là nguyên nhân chính gây nên sạt lở, giảm mực nước. Khai thác ở vị trí cuối sông sẽ làm dòng sông hạ thấp, làm tụt mực nước, năm này so với năm khác khoảng 1,2- 1,5 m”.

Liên quan đến vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng thì khai thác cát trên sông Krông Nô là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông. Hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô, đoạn chảy qua địa bàn một số xã như Quảng Phú, Đắk Nang, Đức Xuyên, Nâm N’đir và Buôn Choáh của huyện Krông Nô vẫn diễn biến phức tạp...

Dọc sông Krông Nô hiện có 12 trạm bơm nước. Công trình lớn có tổng mức đầu tư hơn 43 tỷ đồng. Do mực nước sông xuống thấp, riêng mùa khô năm 2019, đơn vị quản lý trạm bơm đã nâng cấp 4 công trình với chi phí mỗi trạm khoảng 400 triệu đồng. Trạm bơm bon K’tắk, xã Quảng Phú mới đưa vào sử dụng năm 2017 thì đến năm 2019 miệng ống hút đã không thể hút nước...

Cùng với khai thác cát, nhiều ý kiến cho rằng, sạt lở, sụt giảm mực nước dòng sông Krông Nô còn do việc xây dựng vận hành các nhà máy thủy điện đầu nguồn đã làm thiếu đi lượng phù sa bồi đắp hàng năm. Mặt khác, những biến đổi bất thường của thời tiết, cộng với nền đất, kết cấu của khu vực hai bên sông tương đối yếu cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến sạt lở, sụt giảm mực nước...

Trước mắt, để khắc phục tình trạng sạt lở, sụt lún dọc sông Krông Nô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng khẳng định: "Hai tỉnh (Đắk Nông và Đắk Lắk) sẽ hạn chế tối đa việc cấp phép khai thác cát ở những vùng xung yếu. Cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đơn vị khai thác phải đúng quy trình, kỹ thuật, đúng quy định của Nhà nước. Không cho khai thác lạm vào bờ, không khai thác cát ở những vùng có nguy cơ sạt lở. Khai thác cát chỉ tập trung ở vùng bảo đảm không ảnh hưởng dòng chảy nhiều".

Tàu thuyền khai thác cát ở sát bờ sông Krông Nô

Theo một số chuyên gia, nhà quản lý, các bên liên quan phải có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể, khách quan về tác động của thủy điện, khai thác cát đối với vấn đề gây sạt lở bờ sông Krông Nô. Từ đó, có những đề xuất phương án vận hành, điều tiết mực nước phù hợp, giảm tác động đến kết cấu đất hai bên sông.

Được biết, mới đây, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cũng đã hỗ trợ gần 6 tỷ đồng để huyện Krông Nô xây bờ kè chống sạt lở tại một số điểm xung yếu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ được coi là giải pháp tạm thời...

Câu chuyện sạt lở, sụt lún, giảm mực nước sông Krông Nô vẫn sẽ còn được nói đến nhiều, bởi vì nơi đây chưa có giải pháp khắc phục tổng thể.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp tổng thể chống sạt lở, sụt giảm mực nước sông Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO